Sự “lăn xả” vào cuộc của người đứng đầu đơn vị
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng - Phụ trách Phòng Kiểm soát chi (KSC) KBNN Quảng Ninh cho biết, khi bắt đầu thực hiện DVCTT, Quảng Ninh cũng học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị đã thực hiện thí điểm trước đấy. Tuy nhiên, với quan điểm “có làm thì mới hiểu để còn hướng dẫn khách hàng” nên lãnh đạo KBNN Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo.
Theo đó, thay vì chỉ chọn một vài đơn vị trong nội bộ để thực hiện thí điểm như các KBNN khác, KBNN Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt tới tất cả các đơn vị kho bạc trực thuộc (gồm KBNN tỉnh, 14 KBNN huyện, thị, thành phố). Đồng thời, tại mỗi thành phố, thị xã, KBNN Quảng Ninh cũng chọn ra từ 2 đến 3 đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) có điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực phù hợp để triển khai. Ngoài ra, lãnh đạo KBNN Quảng Ninh cũng quán triệt tới tất cả các đơn vị kho bạc trực thuộc là phải thực hiện giao nhận hồ sơ chứng từ thanh toán 100% qua DVCTT ngay từ những ngày đầu, vướng mắc ở đâu sẽ gỡ ở đó. “Đây cũng chính là bước tạo niềm tin cho khách hàng khi tiếp cận với một phương thức giao dịch mới”, chị Hương cho biết.
Hiện tại, DVCTT tại KBNN Quảng Ninh đã vận hành thông suốt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các khách hàng giao dịch.
Để có được thành công này, KBNN Quảng Ninh phải rất nỗ lực trong việc tuyên truyền và vận động các đơn vị SDNS bằng nhiều hình thức (tại các cuộc họp, bằng văn bản, trên các phương tiện thông tin), đặc biệt là sự quyết tâm, lăn xả vào cuộc của người đứng đầu đơn vị.
Chị Hương cho biết, khó khăn đầu tiên KBNN Quảng Ninh gặp phải chính là chứng thư số (CTS) (điều kiện cơ bản để tham gia DVCTT). Tại thời điểm đó, Quảng Ninh mới chỉ có khoảng 40 đơn vị có CTS, trong khi đó toàn tỉnh có hàng nghìn đơn vị SDNS. KBNN Quảng Ninh đã báo cáo với UBND tỉnh và tỉnh đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) làm đầu mối để các đơn vị đăng ký về đây xin cấp CTS. Theo đó, đích thân lãnh đạo đơn vị đã trực tiếp làm việc với Sở TT&TT và giao Phòng KSC tổng hợp danh sách các đơn vị chưa đủ CTS. Từ danh sách này, Sở TT&TT đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị SDNS làm thủ tục xin cấp CTS nên cũng tạo nhiều thuận lợi giúp KBNN Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ.
Một khó khăn nữa đó là sự “không mặn mà” của các đơn vị SDNS với phương thức giao dịch mới, bởi theo họ, được trực tiếp mang hồ sơ ra kho bạc và được cán bộ kho bạc hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” vẫn dễ hiểu và dễ làm hơn, còn với DVCTT, tất cả đều phải làm trên mạng nên thấy vẫn còn khó hiểu, không biết hồ sơ tắc ở đâu để xử lý…
“Trước thách thức này, KBNN Quảng Ninh đã thành lập Tổ hỗ trợ do một đồng chí Phó Giám đốc làm tổ trưởng và thành viên là cán bộ của các phòng: Tài vụ, Tin học, KSC. Tất cả đều là cán bộ trẻ, nhiệt tình, sẵn sàng xuống các đơn vị SDNS hỗ trợ cài máy móc, thiết bị và hướng dẫn. Trước sự chuyên nghiệp trong cách làm của KBNN Quảng Ninh, các đơn vị SDNS đã yên tâm phối hợp. Đồng thời, các cán bộ kho bạc cũng đã chỉ ra các sai sót và hướng dẫn đơn vị SDNS hoàn thiện hồ sơ thông qua gọi điện thoại trao đổi trực tiếp nên các đơn vị SDNS dần quen với phương thức giao dịch mới và hào hứng tham gia hơn. Cách làm này đã giúp KBNN Quảng Ninh dần dần mở rộng đối tượng triển khai DVCTT”, chị Hương chia sẻ.
Cán bộ kho bạc nhiệt tình, đơn vị SDNS hào hứng
Theo đánh giá từ KBNN Quảng Ninh, DVCTT đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, góp phần giảm bớt thời gian giao dịch tại KBNN. Đặc biệt, DVCTT là thao tác trên mạng, qua máy tính nên dù có ở nhà hay đi công tác, các chủ tài khoản đều có thể mang theo máy tính để ký chứng từ bằng chữ ký số. Đây chính là bước cải cách lớn của KBNN trong tiến trình đến “kho bạc điện tử” mà toàn hệ thống KBNN đang hướng tới.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Cục Thuế Quảng Ninh, các cán bộ tại Phòng Hành chính quản trị tài vụ ấn chỉ rất hào hứng với DVCTT. Chị Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng cho biết: “Đầu tiên cũng lo lắm, không biết sẽ thế nào, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ KBNN Quảng Ninh nên chỉ sau 1 tuần, hệ thống đã hoạt động thông suốt, cán bộ kế toán thực hành suôn sẻ”.
Điểm lợi ích nhất của DVCTT mà chị Hải tâm đắc chính là hạn chế được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị (do kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số). Đồng thời, DVCTT vừa giúp giảm được chi phí cho đơn vị vì không phải in nhiều chứng từ, hồ sơ để mang đến kho bạc nữa, vừa giúp thanh toán nhanh gọn. “Hầu như các chứng từ được đẩy sang KBNN đều được giải quyết ngay trong ngày nên độ trễ của chứng từ không còn”, chị Hải nhấn mạnh.
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, chị Phạm Thị Hạnh, Kế toán trưởng cũng chia sẻ, cái lợi nhất mà DVCTT đem lại chính là việc thay đổi thói quen kiểm soát bằng chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Chị Hạnh cho biết thêm, DVCTT hoàn toàn công khai trên mạng nên đơn vị SDNS có thể biết tình trạng hồ sơ, chứng từ của mình như thế nào, có “đi” được hay bị trả về và trả về là do nguyên nhân gì… Trước kia sử dụng chứng từ giấy, hồ sơ đưa ra có thể ưu tiên xử lý những việc quan trọng mà không theo thứ tự, nhưng với các chứng từ được xử lý trên mạng đều theo thứ tự, thời gian, hồ sơ nào quá hạn sẽ được hệ thống DVCTT tự động đẩy trả về. Chính bước thao tác này đã giúp từng bộ phận trong đơn vị SDNS phải nghiêm khắc tuân thủ về mặt thời gian của chứng từ.
Với những gì phóng viên ghi nhận được cùng với những chia sẻ của các đơn vị SDNS có thể thấy, việc triển khai DVCTT tại KBNN Quảng Ninh đã thành công và hiện tại, KBNN Quảng Ninh đang tiếp tục nhận được các đăng ký tham gia DVCTT của các đơn vị SDNS trên địa bàn.
Hiện tại, DVCTT đã vận hành thông suốt tại 35 đơn vị SDNS tại Quảng Ninh (gồm 15 đơn vị nội bộ kho bạc và 20 đơn vị ngoài kho bạc). Tổng số hồ sơ giao nhận và yêu cầu thanh toán của các đơn vị SDNS gửi tới KBNN qua DVCTT đến thời điểm này là gần 4.000 bộ. |