Nâng tiêu chí vốn dự án quan trọng là chưa hợp lý
Sáng 5/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều điểm mới như phân cấp mạnh, quy định rõ thời gian thẩm định, trình dự án, thực hiện dự án nhóm A, B, C, tăng tính khả thi. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn còn nhiều nội dung cần phải cân nhắc.
Đơn cử, về việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng trở lên, đại biểu cho rằng chưa có lý do thuyết phục bởi quy định hiện hành là 10.000 tỷ đồng không có gì bất cập. Thực tế, cả giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí này và việc thực hiện không có vướng mắc.
"Một quốc gia đang phát triển mà 5 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, nếu điều chỉnh tăng lên nữa thì có thể 5 năm tới Quốc hội không còn quyết định dự án quan trọng nào. Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là rất bất hợp lý. Hơn nữa, biến động giá cả thời gian qua cũng không lớn, mức 10.000 tỷ đồng quy định hiện hành vốn đã rất cao" - đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích và đề nghị giữ nguyên mức theo luật hiện hành.
Riêng đối với các dự án nhóm A, B, C, đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ hơn để nếu bất cập thì điều chỉnh tăng 1,5 hoặc 2 lần như đề nghị của Chính phủ để đẩy mạnh phân cấp, thu hẹp khoảng cách giữa các dự án, nhất là dự án nhóm A và giảm bất cập trong quản lý.
Đây là quan điểm được đa số các đại biểu tại phiên họp đồng tình. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng, mức 10.000 tỷ đồng hiện hành đã là rất lớn mà đáng lẽ nên thấp hơn. Hơn nữa, thực tế thời gian qua đã có tình trạng chia nhỏ dự án để giữ mức đầu tư dưới tiêu chí Quốc hội phê duyệt.
"10.000 tỷ đồng đã vậy, tăng tiêu chí lên nữa thì còn như thế nào? Trong khi tình trạng dự án đầu tư thất thoát, lãng phí…, đang gây bức xúc trong nhân dân" - đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nêu câu hỏi.
Còn đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, tiêu chí dự án trọng điểm, cấp bách không chỉ là bao nhiêu tiền mà quan trọng ở đây là dự án đó giải quyết được vấn đề cấp bách nào trong thực tiễn. Do đó, đại biểu cho rằng việc nâng tiêu chí dự án trọng điểm lên 20.000 tỷ đồng là không khả thi và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.
Quốc hội giữ thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công
Một vấn đề nữa được các đại biểu thống nhất quan điểm tại phiên họp là thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS), nhiều ý kiến trong Thường trực UBTCNS cũng đề nghị Quốc hội quyết định danh mục dự án, vì đây là các vấn đề quan trọng của đất nước, liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn trong giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, Chính phủ và một số ý kiến trong Thường trực UBTCNS cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định danh mục cụ thể từng dự án trong KHĐTCTH là khó khả thi, khó đảm bảo về chất lượng và thời gian quyết định KHĐTCTH.
 |
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PV
|
Theo đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó đầu tư công là một lĩnh vực hệ trọng của quốc gia. Do đó, Quốc hội phải xem xét thận trọng cả tổng mức đầu tư, danh mục, tiêu chí dự án chứ không chỉ xem xét tổng số tiền chi là bao nhiêu.
"Danh mục dự án là yếu tố quan trọng cốt lõi của KHĐTCTH, nếu Quốc hội chỉ quyết định tổng mức tiền mà không biết tiền đi đâu, làm gì thì đó cũng chỉ là quyết định mang tình hình thức, không có ý nghĩa thực tế" - đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất phải giữ nguyên tắc của KHĐTCTH là khi Chính phủ trình KHĐTCTH thì cũng trình luôn danh mục. Nếu công tác chuẩn bị tốt, dự báo tốt, thì Quốc hội sẽ thông qua, và ngược lại thì sẽ có điều chỉnh.
"Việc chậm trễ, khó đảm bảo thời gian chủ yếu là do vấn đề cách làm, chứ không phải vì lý do trình ra Quốc hội, hay UBTVQH" - đại biểu Phan Thái Bình nêu rõ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị phải giữ nguyên thẩm quyền quyết định danh mục của Quốc hội. Trong những tình huống, trường hợp đặc biệt thì Quốc hội giao UBTVQH quyết định và báo cáo Quốc hội ở kỳ họp gần nhất.
Kết luận về các vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết dự thảo đưa ra đề xuất nâng tiêu chí dự án quan trọng lên 20.000 tỷ đồng và có xem xét một số tiêu chí, tuy nhiên chưa có các tiêu chí như dân số, hộ gia đình… UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ phải xem xét các tiêu chí này, tuy nhiên Chính phủ cho biết có nhiều dự án thực tế gặp vướng mắc. Do đó, sẽ phải rà soát lại và đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận và quyết định.
Về danh mục KHĐTCTH, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Quốc hội giữ thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, "đây là vấn đề bất di bất dịch". Tuy nhiên, có thể Quốc hội ủy quyền UBTVQH, hoặc thậm chí Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ./.