Khi nguồn lực được tác động trực tiếp đến dân
Làng Đơch, xã la Kreng huyện Chư Pah ký hợp đồng nhận khoán quản lý bảo vệ gần 1.000 ha rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Với tổng số 32 thành viên, làng chia thành 4 tổ, thay phiên nhau tuần tra, canh giữ, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán. Nhờ vậy, mỗi năm làng đã được chi trả gần 400 triệu đồng từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.
Tuy định mức nhà nước chi trả là chưa cao, song cũng giúp cho các gia đình trong làng có điều kiện đầu tư thêm phân bón, vật nuôi để cải thiện sinh kế.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song thực trạng buông lỏng quản lý, nơi giữ, nơi phá đã không còn tái diễn tại các diện tích rừng thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Ly, huyện Chư Pah. Kết quả đó có được là nhờ sự tham gia tích cực của cộng đồng nơi đây cùng chung tay giữ rừng.
 |
Bà con dân tộc thiểu số BahNa làm thủ tục ký kết hợp đồng bảo vệ rừng với UBND xã KonPne huyện Kang, Gia Lai. Ảnh: Gia Cư
|
Già Làng KsorNiêk cho biết: “Trước đây đời sống khó khăn, nhờ nhà nước cho nhận khoán bảo vệ rừng, đời sống của bà con cũng đỡ hơn, bớt khổ hơn trước nhiều. Gia đình tôi cả 2 vợ chồng cùng tham gia bảo vệ rừng, trong các buổi họp làng tôi còn có trách nhiệm vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, khi nào phát hiện có hiện tượng phá rừng thì báo lại với ngành chức năng, chính quyền xã xử lý”.
Ông Phạm Thành Phước, Trưởng Ban QLRPH Ia Ly cho biết: Người dân tộc thiểu số ở đây đã có ý thức giữ được rừng xung quanh cộng đồng, làng bản; không phá rừng làm rẫy, không khai thác lâm sản trái phép, thậm chí trước đây người dân chặt cây, gỗ làm nhà thì từ khi giao khoán đã hạn chế và nay hầu như chấm dứt hẳn. Có thể khẳng định: đến thời điểm này công tác giữ rừng dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả rất tốt tại địa bàn.
Ông Võ Văn Hạnh, GĐ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai khẳng định: “Trước khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), diện tích rừng giao khoán từ nguồn lực của nhà nước ở Gia Lai khoảng 37 nghìn ha, tương ứng với đối tượng được hưởng lợi, nhận khoán cũng ít. 8 năm, sau khi có tiền dịch vụ môi trường rừng, được huy động trên địa bàn tỉnh cùng với cả nước thì công tác khoán bảo vệ rừng cho dân, đặc biệt là dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được nhận khoán đã tăng lên rất nhiều, diện tích đã tăng trên 150.000 ha với trên 10 nghìn hộ nhận khoán. Điều đó chứng tỏ, chính sách chi trả DVMTR đã huy động được sức dân và nâng cao ý thức người dân vào công tác quản lý bảo vệ rừng”.
Đến thời điểm này, trên địa bàn Gia Lai, tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là trên 487.000 nghìn ha. Đã có 39 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 7 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, làng và 101 UBND cấp xã với trên 10 nghìn hộ gia đình đăng ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã chi hơn 134 tỷ đồng cho các hộ dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ.
Hợp đồng ủy thác để nâng cao tính minh bạch
Theo ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai thì đến thời điểm đầu năm 2020, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã phối hợp với các sở ngành liên quan, xúc tiến ký kết lại 58/58 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng DVMTR; xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định về hệ số K thành phần; triển khai ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR của 17 cơ sở sản xuất công nghiệp để khai thác nguồn thu mới.
Đặc biệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã xúc tiến mở tài khoản ngân hàng thực hiện chi trả cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng với gần 1.900 đối tượng được chi trả thông qua tài khoản, trong đó có khoảng 500 tài khoản cho cộng đồng, nhóm hộ, từ chủ rừng là tổ chức nhà nước và UBND cấp xã, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả cho người dân.
Tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn với phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần giúp họ tháo gỡ được khó khăn trong cuộc sống và trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ rưng, trong thời gian tới, một mặt là ngân sách đầu tư thêm, thứ hai là khai thác nguồn thu mới như: nguồn hấp thụ cacbon rừng từ các cơ sở công nghiệp, từ tài nguyên nước, mặt hồ thuỷ điện, thủy lợi…
Sau khi huy động được nguồn lực này, số tiền dành cho khoán bảo vệ rừng dự kiến không chỉ dừng ở mức độ 300-400 nghìn đồng/1ha, mà sẽ còn tiếp tục tăng lên. Từ đó, có tác động rất lớn vào ý thức bảo vệ rừng của người dân khi bảo đảm nguồn thu nhập, gắn bó với rừng và giữ rừng được tốt hơn.
|
Một khu rừng ở Vườn Quốc gia KonKaKinh, tỉnh Gia Lai do bà con DTTS nhận khoán chăm sóc, bảo vệ. Ảnh Gia Cư
|
Những kết quả đạt được là điều đáng ghi nhận, song một thực tế cũng cần nhìn nhận, tuy là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, giàu tài nguyên đa dạng sinh học, nhưng theo thống kê thì tỷ lệ độ che phủ rừng Gia Lai còn khá thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
Trong chuyến làm việc gần đây nhất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Gia Lai, Thủ tướng đã đặt mục tiêu: Hết năm 2020 Gia Lai phải đưa diện tích rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của tỉnh lên đến 90%, trong đó đồng bào các dân tộc ít người phải sống được dưới tán rừng.
Đây là mục tiêu không dễ thực hiện, nhưng hy vọng với những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà điểm nhấn là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian qua, sẽ là tiền đề quan trọng để Gia Lai sớm hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ đã đề ra, góp phần chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế rừng bền vững./..