Khảo sát sự hài lòng của DN sẽ mở rộng về số lượng TTHC được tham gia đánh giá, để thấy được tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK)…” - ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.
-PV: Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa chủ trì công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện TTHC qua NSW”. Với tư cánh là đơn vị chủ trì, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và kết quả của hoạt động này?
- Ông Hoàng Việt Cường: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phối hợp với VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) đã tiến hành khảo sát, tổng hợp ý kiến của gần 3.100 DN về 12 TTHC– dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin NSW; trong vòng 12 tháng gần nhất tính từ thời điểm bắt đầu khảo sát (cuối tháng 11/2019).
Qua kết quả khảo sát cho thấy, về cơ bản các TTHC đều đã đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng DN. Mặc dù, kết quả khảo sát mới đánh giá 12 TTHC của 5 bộ, ngành nhưng đã thấy được bức tranh tương đối toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, chỉ tiêu TTHC trên NSW.
Có 10 trong số 12 TTHC ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng từ 1 - 3 ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật. 8 TTHC ghi nhận chi phí giảm đi đáng kể so với phương thức cũ. Các thủ tục thuộc Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 bộ còn lại (Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ).
 |
Ông Hoàng Việt Cường |
Theo tôi đánh giá, mặc dù cuộc khảo sát này được tiến hành với tính chất thí điểm nhưng đã phân tích các ưu, nhược điểm của NSW, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK của cộng đồng DN cũng như trong thời gian tới.
-PV: Thưa ông, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, thì những tồn tại, vướng mắc nào DN gặp phải và chưa hài lòng khi thực hiện TTHC trên NSW?
- Ông Hoàng Việt Cường: Qua cuộc khảo sát nêu trên cũng nhìn thấy những cái được và những cái tồn tại của các TTHC trên NSW.
Theo kết quả của cuộc khảo sát và ghi nhận từ gần 20 ý kiến của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội DN và chuyên gia kinh tế tại hội thảo công bố kết quả khảo sát mới đây tại Hà Nội, chúng tôi đã ghi nhận được 3 nhóm vấn đề mà tới đây cơ quan hải quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có giải pháp khắc phục hạn chế nhằm nâng cao chất lượng các TTHC khi đưa lên NSW.
Vấn đề thứ nhất là hạn chế của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Hệ thống CNTT, hiện nay, hầu hết của các bộ, ngành đang xử lý TTHC phân tán, có một phần tập trung. Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tới đây cơ quan hải quan bàn với các bộ, ngành về việc xử lý TTHC tập trung trên NSW.
Vấn đề thứ hai là cuộc khảo sát lần này cũng chỉ ra được những bất cập của các bộ, ngành mà DN mong muốn được cải thiện. Cụ thể, DN cũng kiến nghị cần khắc phục các khó khăn khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi thực hiện TTHC và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ DN trên Cổng NSW.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, các bộ, ngành cần có giải pháp, cơ chế giải đáp kịp thời những thắc mắc của DN cũng như cách thức để xử lý những bộ hồ sơ khi gặp trục trặc trên NSW.
Vấn đề thứ ba tôi cho rằng các bộ, ngành cũng nên nghiên cứu đẩy mạnh thanh toán điện tử. Khảo sát lần này cho thấy các DN mong muốn cơ quan chức năng có một hệ thống thanh toán điện tử trên NSW, thay vì hiện nay thanh toán qua ngân hàng nhưng không qua hệ thống điện tử nên tỷ lệ tiền mặt vẫn cao.
-PV: Trước những tồn tại nêu trên, với vai trò cơ quan thường trực Ủy ban 1899, Tổng cục Hải quan sẽ có những hành động nào thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả TTHC trên NSW, thưa ông?
- Ông Hoàng Việt Cường: Cơ quan hải quan tiếp thu ý kiến từ cuộc khảo sát và sẽ phối hợp VCCI đi vào nghiên cứu cụ thể vấn đề vướng mắc về TTHC là gì, ở đâu, để tham mưu cho Bộ Tài chính đề xuất với các bộ, ngành các giải pháp cụ thể.
Để nâng cao chất lượng TTHC tham gia NSW, tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai hệ thống công nghệ tập trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Đặc biệt, cơ quan hải quan dự kiến sẽ mở rộng diện khảo sát. Hiện nay các bộ, ngành kết nối 198 TTHC là rất rộng, do đó cơ quan hải quan sẽ bàn với VCCI để cân nhắc, mở rộng diện khảo sát, tiếp tục đánh giá 12 TTHC của 5 bộ, ngành đã khảo sát trong năm qua và bổ sung đánh giá các thủ tục mới.
Cơ quan hải quan tiếp thu ý kiến của DN, chuyên gia kinh tế sẽ lựa chọn những TTHC không chỉ có tần suất cao và nhiều DN tham gia mà cả những TTHC liên quan đến sức ép hội nhập quốc tế của cộng đồng DN Việt Nam.
Việc khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN tham gia NSW sẽ được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 và được công bố vào đầu năm mới.
Quan điểm của cơ quan hải quan là các bộ, ngành cần đơn giản hóa TTHC trước khi đưa lên NSW, để hiệu quả mang lại cho cộng đồng DN lớn hơn.
-PV: Xin cảm ơn ông!
Theo QĐ 1245/QĐ-CP trong giai đoạn 2016 đến 2020, các bộ, ngành phải triển khai 263 TTHC, hiện nay mới đưa được 198 TTHC, còn lại 65 TTHC, tương ứng 1/4 số TTHC cần đưa lên NSW. Cơ quan hải quan tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì, cùng các bộ, ngành đảm bảo đưa lên NSW đầy đủ các chỉ tiêu trong năm 2020, không chỉ là số lượng TTHC mà quan tâm đến chất lượng, hiệu quả TTHC.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường
|