Kết quả này thể hiện sự quyết tâm cao trong triển khai các giải pháp cụ thể của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Bến Tre.
Về đích sớm trước 2 tháng
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại KBNN Bến Tre, Giám đốc Cao Cự Nhâm cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, KBNN Bến Tre đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc KBNN các huyện triển khai DVCTT đến các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) trên địa bàn, theo đúng kế hoạch (31/10/2020 đạt 100% số đơn vị SDNS giao dịch tại các KBNN huyện tham gia DVCTT).
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuất hiện ca bệnh đầu tiên nên toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc triển khai DVCTT. Các giải pháp như tổ chức hội nghị tập huấn, cử cán bộ kho bạc trực tiếp xuống đơn vị SDNS để hướng dẫn… đều không thực hiện được.
Kết quả, đến ngày 30/4/2020, số đơn vị SDNS tham gia DVCTT mới đạt gần 34% và số chứng từ giao dịch trên DVCTT mới đạt 25% (KBNN tỉnh 81%, KBNN huyện 1,34%).
Bài toán đặt ra cho KBNN Bến Tre lúc này là làm thế nào để hoàn thành triển khai DVCTT theo đúng kế hoạch? “Đây chính là vấn đề “đau đầu” của ban lãnh đạo KBNN Bến Tre lúc đó” - ông Nhâm cho biết. Tuy nhiên, với quyết tâm “khó đến mấy cũng phải làm”, KBNN Bến Tre đã quyết liệt triển khai một loạt giải pháp.
Đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền về các lợi ích của DVCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, trong điều kiện vừa thực hiện phòng chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị SDNS hướng dẫn cài đặt, sử dụng DVCTT qua mạng xã hội (Messenger, Zalo, Viber), cử công chức trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn qua điện thoại, video chat…
Bên cạnh đó, KBNN tỉnh đã mở diễn đàn qua e-mail để các đơn vị KBNN huyện khi gặp vướng mắc nhanh chóng phản ánh; KBNN tỉnh hướng dẫn giải quyết nghiệp vụ phát sinh kịp thời và làm căn cứ xem xét quyết định yêu cầu đội kỹ thuật hoặc nhà thầu thiết lập lại hệ thống đúng theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, theo ông Nhâm, trong gian đoạn hết giãn cách xã hội, lãnh đạo KBNN tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác (giám đốc, trưởng phòng kiểm soát chi, văn phòng…) trực tiếp đến các huyện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai DVCTT. Đồng thời, đích thân Giám đốc KBNN tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo các huyện để huyện đưa ra chỉ đạo các đơn vị SDNS trên địa bàn tích cực tham gia DVCTT của kho bạc và có hình thức hỗ trợ đối với các đơn vị gặp khó khăn về kinh phí, máy móc thiết bị khi tham gia DVCTT…
Với các giải pháp cụ thể và sự vào cuộc của tập thể lãnh đạo KBNN Bến Tre, chỉ 2 tháng sau, số đơn vị SDNS tham gia DVCTT tại các KBNN huyện đã đạt 96% và số chứng từ giao dịch đạt gần 65%. Đến ngày 31/8/2020, KBNN Bến Tre đã “lội ngược dòng” thành công, khi 100% đơn vị SDNS trên địa bàn sử dụng DVCTT.
“Như vậy, so với kế hoạch (31/10/2020), KBNN Bến Tre đã “về đích” sớm hơn 2 tháng. Điều đặc biệt nhất là đến ngày 31/10, thì 100% chứng từ giao dịch tại KBNN Bến Tre được thực hiện trên DVCTT” - ông Nhâm cho biết.
Vẫn còn khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ
Mặc dù đạt được kết quả tốt nhưng theo Giám đốc KBNN Bến Tre, việc thực hiện DVCTT hiện nay vẫn còn một số khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.
Đơn cử như một số hội đặc thù có quy mô hoạt động nhỏ, khi tham gia DVCTT gặp khó khăn về chi phí chữ ký số; chủ tài khoản và kế toán trưởng tại một số đơn vị SDNS hiện có sự thay đổi do mới tổ chức đại hội Đảng các cấp xong; nhiều đơn vị SDNS vừa thực hiện hợp nhất, sáp nhập…
Do đó, để DVCTT được triển khai tốt hơn nữa trong thời gian tới, KBNN Bến Tre đã đề xuất KBNN tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp DVCTT để tăng tốc độ xử lý của hệ thống, đảm bảo yêu cầu nhanh, hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn đối với các đơn vị giao dịch.
Đồng thời, KBNN cần có hướng dẫn, thống nhất để xác định đơn vị nào là đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT, từ đó, các đơn vị KBNN trực thuộc có các biện pháp tác động giúp các đơn vị này chủ động tham gia DVCTT, không thực hiện giao dịch qua chứng từ giấy nữa.
Bên cạnh đó, KBNN cũng cần có giải pháp để vận động, hỗ trợ các đơn vị SDNS không thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia DVCTT tự nguyện tham gia vào phương thức giao dịch mới này, kể cả khối an ninh quốc phòng nhằm tăng số lượng giao dịch qua DVCTT.
Ngoài ra, để tiến tới kho bạc số trong tương lai, KBNN cần đẩy mạnh vận động các đơn vị SDNS tham gia Ứng dụng cảnh báo rủi ro, cung cấp thông tin trực tuyến để giúp đơn vị nhanh chóng kiểm soát, quản lý kinh phí tại KBNN. Việc làm này vừa giúp các đơn vị SDNS tránh được các rủi ro trong quản lý chi tiêu ngân sách, vừa giúp KBNN hoàn thiện quy trình giao dịch trực tuyến./.