Đây là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.
PV: Quốc hội đã quyết định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là khoảng 6%. Ông có lo ngại khi sang năm được dự báo là vẫn còn những thách thức khó lường và việc đề ra mục tiêu tăng trưởng này cũng kéo theo những mức tăng tương ứng, như tăng thu ngân sách chẳng hạn?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Để đạt mức tăng trưởng như đã đề ra, tôi rất lo, Chính phủ đề ra quyết tâm GDP là khoảng 6%, nhưng trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đắn đo với chỉ tiêu này.
 |
Đại biểu Phạm Văn Hòa
|
Chúng ta sẽ phấn đấu đạt được mức tăng trưởng 6% với điều kiện dịch Covid-19 trong năm 2021 ở Việt Nam không xảy ra. Nếu như có đợt thứ 3 thì tăng trưởng cũng sẽ giống như năm nay, chỉ từ 2 - 3%. Một vấn đề quan trọng nữa là trên thế giới phải ngăn được dịch bệnh, phải tìm ra vắc xin phòng ngừa, vì nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu như các nước vẫn phải đóng cửa “chiến đấu” với dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, dự kiến thu NSNN trong năm 2021 là khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm so với dự toán của năm nay. Tôi nghĩ, mức tăng thu như vậy là phù hợp, bởi vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức dự đoán được và cả chưa dự đoán được ở phía trước.
PV: Ông có đồng tình khi cho rằng, thu khó thì phải triệt để tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả, có như vậy mới dành nguồn lực để chi cho các nhiệm vụ quan trọng, cho an sinh xã hội hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Đúng vậy, cơ cấu lại chi NSNN phải bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi thường xuyên không cần thiết; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, lễ hội, đi công tác nước ngoài... Đây là những giải pháp được thực hiện thời gian qua, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Việc chi tiêu phải gắn với tinh giản bộ máy, tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt tôi thấy rằng, đi công tác nước ngoài, hội nghị, hội thảo cần phải tiết kiệm hơn nữa, vì còn lãng phí.
Nếu như thu ngân sách năm 2021 giảm so với năm nay, thì đương nhiên phải giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước so với dự toán năm 2020. Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán chi NSNN năm 2021 giảm khoảng 8.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Đây là con số rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, tôi muốn nói rằng, với các khoản chi lương, chi chế độ chính sách và an sinh xã hội thì vẫn phải đảm bảo và giữ nguyên.
Muốn có nguồn thu, điều quan trọng cốt lõi là phát huy nguồn thu trong nước, đặc biệt là các nguồn thu của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Nếu chúng ta coi doanh nghiệp là trung tâm, nguồn thu sẽ sung túc hơn. Các gói kích cầu của Chính phủ đã đến tay người dân và doanh nghiệp thì năm 2021, tôi hy vọng rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp đứng vững, phát triển và có thêm số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Nếu chúng ta có nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra, có doanh số tốt thì sẽ có nguồn thu về cho ngân sách, đảm bảo cho các nhiệm vụ chi.
PV: Như ông vừa chia sẻ, phải thu được mới có nguồn để chi và thực hiện tiết kiệm chi. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng có đơn vị sử dụng ngân sách chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách, gây thất thoát, lãng phí. Theo ông cần phải làm gì để tiến tới không còn tình trạng này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Kỷ luật, kỷ cương trong thu – chi ngân sách là cực kỳ quan trọng. Không chỉ trong điều kiện khó khăn như hiện nay mà trong bất kỳ thời điểm nào cũng cần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách. Vì đây là vấn đề mấu chốt, cốt lõi trong thực hiện pháp lệnh về thu – chi ngân sách, đảm bảo tính công bằng, hợp lý, thu đáng thu và chi đáng chi. Chi có mục đích và phải cương quyết đối với các đối tượng trốn nợ thuế. Còn trường hợp chi sai, chi không đúng mục đích cũng phải xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy, việc quản lý ngân sách mới chặt chẽ, nghiêm minh, công tư khách quan.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quyết tâm cao của người đứng đầu ngành Tài chính
“Tôi được biết là người đứng đầu ngành Tài chính có quyết tâm rất cao đối với thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Năm nay, khi tăng trưởng kinh tế giảm hẳn một nửa, thì đến thời điểm hiện tại, thu ngân sách mới giảm khoảng 15%. Trong phát biểu tại Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn khẳng định quyết tâm phấn đấu cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020. Đây sẽ là kết quả tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021 của Bộ Tài chính” - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
|