Bội chi ngân sách 3 năm tới dự kiến khoảng 3,8% GDP
Dự báo việc thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn tới sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Những bất ổn về địa chính trị trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 phát sinh ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu cho thấy, thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn đón đợi.
Dự báo môi trường khu vực, thế giới phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định: xung đột địa - chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng; việc kiểm soát dịch bệnh... Đối với nước ta, điểm thuận lợi vẫn là tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, kiểm soát được dịch bệnh và việc mở ra những thời cơ mới từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… Nhưng những tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo thêm nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế và áp lực đối với các cân đối vĩ mô.
Tuy nhiên, Chính phủ xác định trong giai đoạn tới, mục tiêu của kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) là tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, cải thiện dư địa chính sách tài khóa và siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự kiến 3 năm 2021 - 2023, thu NSNN phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 15,5% GDP điều chỉnh, huy động từ thuế, phí 13% GDP (tương ứng khoảng 19,7% và 16,6% GDP chưa điều chỉnh); tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, dự kiến đến năm 2023 khoảng 85 - 86%.
Về chi NSNN, giai đoạn 3 năm này là khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến khoảng 3,8% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 4,9% GDP chưa điều chỉnh). Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP điều chỉnh, nợ chính phủ khoảng 44,1% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 61,2% và 56,1% GDP chưa điều chỉnh).
Kiên định các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, nợ công
Bộ Tài chính cho rằng, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021 - 2023. Do đó, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu trong kế hoạch là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế. Cùng với đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP, năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Cũng theo Bộ Tài chính để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cần kiên định với các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý tài chính - ngân sách trung hạn; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công, kế hoạch tài chính trung hạn.
Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu NSNN theo định hướng Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với trình độ phát triển, mở cửa nền kinh tế, hướng tới thông lệ chung. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách, tuy nhiên, cần vẫn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, trong đó, chính sách thu phải đảm bảo tính trung lập của thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế. Nếu thực hiện được như vậy, sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, làm tiền đề cho việc cơ cấu lại ngân sách, đồng thời lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Được biết trong kế hoạch của giai đoạn tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nợ công; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các công cụ quản lý nợ, chủ động chi trả các nghĩa vụ nợ đến hạn; đẩy mạnh việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Một trong những giải pháp sẽ được tập trung nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu kế hoạch tài chính đề ra đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, đặc biệt là chế tài trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản; củng cố bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đồng thời, quản lý chặt chẽ NSNN từ khâu dự toán đến điều hành, quyết toán; thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
Một số chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2023
* Thu ngân sách nhà nước phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng.
* Chi ngân sách nhà nước là khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.
* Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn
2021 - 2023 dự kiến khoảng 3,8% GDP điều chỉnh.
* Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP điều chỉnh, nợ chính phủ khoảng 44,1% GDP điều chỉnh.
|