Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2020, tổ chức sáng 24/11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội trong nước gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về thuế, hải quan. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp.
Cải cách đồng bộ ở tất cả các khâu
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua, ngành Thuế và Hải quan đã tập trung chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhằm bảo đảm việc cải cách được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu từ xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đến khâu tiếp nhận, giải quyết các thủ tục. Đồng thời, 2 ngành đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách, nhất là về lĩnh vực xuất nhập khẩu để phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, với các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng, đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). “Kết quả thu NSNN của cả giai đoạn vẫn cơ bản đạt mục tiêu đề ra, quy mô thu NSNN bình quân giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 24,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4% GDP” - Thứ trưởng cho biết.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai 202 TTHC của 13 bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia kết nối với 3,2 triệu hồ sơ của hơn 40.000 DN; đã cung cấp gần 90% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4; đã kết nối với 9 nước ÁEAN để trao đổi C/O mẫu D điện tử; thực hiện hải quan điện tử với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN.
Đồng thời, tăng cường triển khai đề án nộp thuế điện tử với số thu NSNN bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 98,6% tổng số thu ngân sách của cơ quan hải quan; xây dựng và triển khai thành công hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi, đã triển khai chính thức hệ thống quản lý giám sát hàng hóa hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
“Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN về những kết quả tích cực đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN nói riêng, đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung thời gian qua” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp
Tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ, thực tiễn cho thấy, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lại rất sôi động, đa dạng. Do đó, trong quá trình thực thi các quy định của chính sách và TTHC không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn về TTHC, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Qua hội nghị, có thể thấy, chính sách và TTHC thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của DN. Do đó, rất nhiều thắc mắc cũng như ý kiến, kiến nghị của DN về thủ tục hải quan xuất khẩu - nhập khẩu, nghĩa vụ thực hiện thuế thu nhập cá nhân, đóng thuế các khoản thu của ngân hàng thương mại, đặc biệt là việc thông tin, quản lý tài khoản của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, vấn đề hoàn thuế... được đưa ra trao đổi, thảo luận. Tất cả các vấn đề đều đã được đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế giải đáp đầy đủ.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ thông điệp mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển. Đồng thời, Thứ trưởng kêu gọi DN tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức giai đoạn hậu đại dịch.
Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi
“Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính luôn hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai
|