Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 vẫn chậm hơn so với kế hoạch đề ra, do đó, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Thu 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn trong 11 tháng
Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính cho biết, trong 11 tháng năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 7 doanh nghiệp (DN). Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 11/2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, trong 11 tháng năm 2020, cả nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 11/2020 đạt 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả CPH, thoái vốn giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2020, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục TCDN cho biết, việc CPH, thoái vốn giai đoạn này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, CPH vượt kế hoạch về số lượng, giá trị cổ phần nhà nước bán được đạt 11% nhiều hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 (8%); thoái vốn đạt kết quả tốt, có nhiều thương vụ thoái vốn hiệu quả cao (Vinamilk, Sabeco…). Bên cạnh đó, các DN CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 không phát sinh tiêu cực thất thoát vốn, tài sản nhà nước, DN; DN nhà nước (DNNN) được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hiệu quả hoạt động được nâng cao…
Mặc dù vậy, quá trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá vẫn còn có những tồn tại. Cụ thể như, tiến độ CPH, thoái vốn chậm hơn so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN chưa được quan tâm nghiêm túc. Biểu hiện, số lượng DN CPH đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng DN CPH ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng DN CPH theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (140 DN ngoài kế hoạch, 37 DN thuộc kế hoạch CPH 128 DN). Mặt khác, công tác quyết toán CPH chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số DN CPH dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại DN…
Nhiều giải pháp “thúc” đẩy nhanh cổ phần hóa
Theo đại diện Cục TCDN, có nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại trên. Ngoài diễn biến khó lường của dịch Covid-19; các DN thực hiện CPH, thoái vốn, hầu hết là các DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai..., một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Đặc biệt, qua thực tế triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho thấy, đa số các tập đoàn, tổng công ty, DNNN không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH. Ngoài ra, có DN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.
Nhằm đẩy nhanh lộ trình CPH, thoái vốn DNNN trong tháng cuối năm 2020 và năm 2021, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của CPH, đại diện Cục TCDN cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất, kiến nghị một loạt các giải pháp.
Cụ thể, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN thuộc danh mục CPH đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị DN, xử lý tài chính, công bố giá trị DN trong năm 2020.
Ngoài ra, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Bộ Tài chính cũng đề nghị, đối với các DN CPH, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn CPH, thoái vốn DN để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Đối với các DN đã CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác CPH; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN theo quy định...
Đã chuyển 217.300 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn vào ngân sách nhà nước
Theo báo cáo từ Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 11 tháng năm 2020, đã chuyển 12.300 tỷ đồng; lũy kế từ năm 2016 đến 11/2020, đã chuyển 217.300 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước (đạt 87% kế hoạch), năm 2020 còn phải chuyển 32.700 tỷ đồng từ Quỹ vào ngân sách.
|