Sáng ngày 4/12/2020, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Tổng kết công tác lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) đầu tiên và một số giải pháp nâng cao chất lượng BCTCNN những năm tiếp theo”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các điểm cầu tại trụ sở 63 KBNN các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác lập BCTCNN là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, với phạm vi thông tin rộng, nghiệp vụ phức tạp, trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều, nguồn lực còn hạn chế. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của UBND các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan, sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Bộ Ngân khố và Đại sứ quán Hoa Kỳ…, thông qua hoạt động hỗ trợ của các chuyên gia, Bộ Tài chính đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành BCTCNN năm 2018 kịp thời hạn, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ XIV phù hợp quy định của Luật Kế toán 2015.
 |
Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết công tác lập BCTCNN năm đầu tiên 2018. Ảnh: Đức Minh
|
Theo Thứ trưởng, BCTCNN 2018 là báo cáo đầu tiên chúng ta làm được. Báo cáo giúp cho Chính phủ, công chúng nhìn nhận bức tranh tài chính nhà nước một cách tổng thể, toàn diện hơn. Nếu như trước đây chúng ta hiểu tài chính chỉ là ngân sách nhà nước thì tại BCTCNN 2018, phạm vi đã rộng hơn, bao gồm tài sản nhà nước, công nợ, các hoạt động thu chi của các đơn vị tài chính đặc thù ngoài ngân sách, các quỹ tài chính ngoài ngân sách…
Hơn nữa, các cơ quan của Chính phủ đã khai thác BCTCNN 2018 để phục vụ công tác quản lý tài chính mà trước hết là phục vụ việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm (2021 - 2025) để báo cáo Quốc hội, phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược tài chính 10 năm (2021- 2030)…
KBNN được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tài chính tại các địa phương để hình thành BCTCNN toàn quốc. Đây là một nhiệm vụ mới và khó khăn đối với toàn hệ thống. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, toàn hệ thống KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan để bắt tay vào việc thiết lập các điều kiện để triển khai thực hiện.
Bà Đặng Thị Thủy - Phó Tổng giám đốc KBNN đã báo cáo tại hội thảo những kết quả đạt được của công tác lập BCTCNN năm đầu tiên 2018.
Cụ thể, theo bà Thủy, để triển khai BCTCNN năm 2018, KBNN đã chủ động có các văn bản hướng dẫn chi tiết cho toàn hệ thống để thực hiện.
Song song với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, KBNN đã khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước để chính thức vận hành hệ thống từ tháng 7/2019, kịp thời hỗ trợ đắc lực cho công tác gửi báo cáo của các đơn vị cũng như công tác tổng hợp, lập BCTCNN đầu tiên năm 2018.
“Hệ thống KBNN đã dành nhiều nguồn lực và tập trung cao độ, nỗ lực, tâm huyết, khắc phục khó khăn để có thể triển khai nhiệm vụ. Đến hết tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước vào tháng 5/2020 theo đúng quy định” - bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thủy, mặc dù còn tồn tại một số thiếu sót, BCTCNN năm 2018 đã cơ bản cung cấp thông tin về tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn cũng như kết quả hoạt động tài chính năm 2018 và được các UBND, HĐND một số tỉnh, thành phố và Chính phủ, Quốc hội ghi nhận…
Với những kết quả thảo luận tại hội thảo, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tổng hợp và tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ hơn các ý kiến được nêu ra, xác định các giải pháp phù hợp, có tính chất căn cơ để xử lý những tồn tại, vướng mắc và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng của BCTCNN trong những năm tiếp theo.