Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Theo Ban quản lý dự án (QLDA) 6, dự án tuyến đường nối quốc lộ (QL) 4C - 4D qua địa phận 2 tỉnh Hà Giang - Lào Cai được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh vào tháng 2/2019 (tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng) để triển khai thi công 5 gói thầu còn dang dở do bị đình hoãn, giãn tiến độ từ năm 2011. Các gói thầu xây lắp của dự án được tổ chức thi công từ cuối năm 2019. Đến nay, sản lượng thi công đạt khoảng 246,5/290 tỷ đồng, đạt 85%, dự án sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2020 theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT.
Còn một dự án đường bộ cấp bách khác ở khu vực miền núi phía Bắc cũng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 là công trình cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - Cửa khẩu Pò Mã (Km0 - Km 66+600) giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do Sở GTVT Bắc Kạn làm chủ đầu tư (tổng mức đầu tư: 755 tỷ đồng). Dự án chỉ có một gói thầu xây lắp và đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2020. Đến nay, sản lượng thi công đạt hơn 350/442 tỷ đồng, đạt 85%. Dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Còn tại khu vực phía Nam, sau thời gian mưa kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, đến nay, các nhà thầu tham gia nâng cấp, mở rộng các tuyến QL53, Quản Lộ - Phụng Hiệp đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện để tập trung thi công. Các gói thầu khác của tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dù triển khai sau nhưng đến nay tiến độ vẫn đang được kiểm soát theo hợp đồng. Dự án phấn đấu hoàn thành những hạng mục chính để phục vụ người dân đi lại dịp cuối năm 2020. Tại dự án mở rộng, nâng cấp QL53 dài 43,8km được chia làm 6 gói thầu, tiến độ đang được đảm bảo, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành trước Tết Âm lịch 2021. Tuyến QL53 là đường huyết mạch từ Trà Vinh về huyện Duyên Hải, vì vậy các nhà thầu đã rất nỗ lực để thi công và hoàn thành những đoạn thuận lợi trước. Những đoạn triển khai sau, vướng GPMB, chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với địa phương để giải quyết. Ban quản lý dự án 7 phấn đấu đến trước Tết Âm lịch 2021, những đoạn tuyến quan trọng sẽ hoàn thành mở rộng và thảm bê tông nhựa.
Bộ GTVT cho biết thêm, 3 dự án trong tổng số 10 dự án đường bộ quan trọng sẽ hoàn thành trong năm 2020 gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án nâng cấp tuyến đường nối QL4C - 4D; Dự án cải tạo, nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa - Cửa khẩu Pò Mã (Km0 - Km 66+600) giai đoạn 2.
Chất lượng đặt lên hàng đầu
Cũng theo Bộ GTVT, ngoài việc thúc đẩy tiến độ nhiều dự án giao thông quan trọng để góp phần tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid 19 thì Bộ GTVT cũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án, công trình xây dựng trọng điểm quốc gia.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất các nội dung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan lĩnh vực xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xây dựng; đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về xây dựng với các hệ thống pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, đầu tư công, môi trường để tạo hành lang pháp lý thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các chủ thể trong nước được tham gia thực hiện các dự án, công trình xây dựng trọng điểm quốc gia và kiểm soát đối với nhà thầu trong nước, đối với nhà thầu nước ngoài cần có nguyên tắc liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước khi dự thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Nghiên cứu, đề xuất mô hình thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm quốc gia cho phù hợp với thực tế cũng như phải kiểm soát chất lượng, tiến độ từ công tác khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng xây dựng, lựa chọn nhà thầu và tổ chức quản lý trong quá trình thi công xây dựng… đảm bảo việc kiểm soát sự tuân thủ các quy định của pháp luật về công tác quản lý chất lượng; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình; kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.
Giải ngân vốn đầu tư được 31.918 tỷ đồng
Hết tháng 11/2020, Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt tỷ lệ 80,1% so với kế hoạch năm và cao hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước có tỷ lệ 70%. Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 31.918/39.826 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước giải ngân được 27.253 tỷ đồng, đạt 80,9% kế hoạch (27.253/33.695 tỷ đồng); vốn nước ngoài giải ngân được 4.664 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch (4.664/6.131 tỷ đồng)… Chỉ tính riêng trong tháng 11, công tác giải ngân chưa đạt mốc tiến độ kỳ vọng của Bộ Giao thông vận tải (đạt 85% kế hoạch). Tuy nhiên so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (70%), Bộ Giao thông vận tải vẫn đang là một trong số những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.
|