Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương (Cục Xuất nhập khẩu) có các công văn 0794/XNK-THCS (ngày 28/7/2020) và 1281/XNK-THCS (ngày 10/11/2020) trả lời vướng mắc liên quan đến việc quản lý hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Thông tư 12/2018/TT-BCT (ngày 15/6/2018) của Bộ Công thương.
Qua nghiên cứu hướng dẫn cơ quan hải quan và doanh nghiệp thực hiện, Tổng cục Hải quan thấy phát sinh một số vướng mắc.
Cụ thể, theo mục II Phụ lục I ban hành kèm Nghị định số 69/2018/NĐ-CP: Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng (bao gồm các nhóm hàng dệt may, giày dép, quần áo; hàng điện tử; hàng điện lạnh; hàng điện gia dụng; thiết bị y tế; hàng trang trí nội thất; hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác; xe đạp; mô tô, xe gắn máy) thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương, do Bộ Công thương ban hành Danh mục chi tiết đi kèm mã số HS.
Theo Phụ lục I Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BCT thì một trong các nguyên tắc sử dụng danh mục này là: "Trường hợp chỉ liệt kê mã 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm 4 số này đều bị cấm nhập khẩu”. Việc quy định như vậy dẫn đến việc những hàng hóa thuộc mã số HS tại Danh mục này nhưng không phải “hàng tiêu dùng” hay “thiết bị y tế” hoặc “phương tiện” đều bị cấm nhập khẩu là không phù hợp phạm vi quản lý tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Qua theo dõi tình hình nhập khẩu những mặt hàng có mã số HS thuộc Phụ lục I Thông tư 12/2018/TT-BCT, Tổng cục Hải quan nhận thấy theo mô tả chi tiết thì nhiều mặt hàng nhập khẩu không phục vụ cho tiêu dùng, gia dụng, phương tiện hoặc y tế, phần lớn nhóm mặt hàng này sử dụng cho sản xuất công nghiệp...
Như vậy, trường hợp áp dụng ý kiến của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tại công văn 0794/XNK-THCS, 1281/XNK-THCS nêu trên: “Tất cả các mặt hàng có mã số HS và mô tả chi tiết như nêu tại Phụ lục I Thông tư 12/2018/TT-BCT đều thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu”, thì tất cả những mặt hàng nhập khẩu để phục vụ sản xuất, công nghiệp không dùng trong y tế, gia dụng đều không được phép nhập khẩu dẫn tới đình trệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để giải quyết những vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương có giải pháp tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại của doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư 12/2018/TT-BCT theo đúng phạm vi áp dụng tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Trong thời gian chờ sửa đổi Thông tư 12/2018/TT-BCT, cơ quan hải quan đề nghị Bộ Công thương có ý kiến để cơ quan hải quan thực hiện theo đúng quy định và phạm vi điều chỉnh của Nghị định 69/2018/NĐ-CP tránh làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp./.