Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 1/2021 mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được WB đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020. Theo WB, Chính phủ cần đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách kinh tế vĩ mô đã được sử dụng để ứng phó với khủng hoảng, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Các chỉ số vĩ mô phục hồi tốt
Cập nhật về những diễn biến kinh tế gần đây của Việt Nam, WB nhận định, nền kinh tế tăng tốc phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Cụ thể, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,5% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý IV/2020, nhờ đó đã đưa tăng trưởng cả năm 2020 của Việt Nam lên mức 2,9%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với mức 7% trong năm 2019, nhưng Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch. Theo WB, ở cấp ngành, nông nghiệp hóa ra lại có khả năng chống chịu tốt nhất, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,68%, cao hơn khoảng 0,67 điểm phần trăm so với năm 2019. Công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng lần lượt 3,98% và 2,34%, thấp hơn khoảng 5 điểm phần trăm so với năm trước.
Áp dụng chính sách “khắc khổ” quá sớm có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ khôi phục kinh tế, còn nếu chính sách hỗ trợ như hiện tại kéo dài hơn nữa, sẽ gây áp lực lên Chính phủ khi sẽ phải tìm nguồn tài chính mới. Do đó, cần cân nhắc kỹ các phương án về thời gian để đảm bảo các mục tiêu bền vững tài khóa.
Một động lực khác của tăng trưởng là sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12, trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Doanh số bán lẻ cũng tiếp tục tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch, nhờ nhu cầu hàng hóa trong nước tăng lên. Doanh số bán lẻ tăng trưởng ở mức 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2020. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước với doanh số bán lẻ hàng hóa cao hơn 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 12/2020 cũng đánh dấu một kết quả tích cực khác trong thương mại hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng hai con số về nhập khẩu (23,1%) và xuất khẩu (17,8%). Do đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam kết thúc năm đạt mức thặng dư kỷ lục 19,3 tỷ USD. Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô khác cũng được đánh giá là tốt, với chỉ số giá tiêu dùng đi ngang trong tháng 12/2020 (so với cùng kỳ năm trước) do giá lương thực ổn định trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng. Tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 10, kết thúc năm 2020 ở mức 10,1% (so với cùng kỳ năm trước).
Đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách hỗ trợ
Một diễn biến khác của kinh tế Việt Nam cuối năm 2020 được WB ghi nhận là thu ngân sách được cải thiện trong khi chi phí vay vốn trong nước tiếp tục giảm. WB cho biết, đến ngày 8/1/2021, Bộ Tài chính ước tính tổng thu ngân sách năm 2020 đạt khoảng 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 98% kế hoạch. Về chi ngân sách, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch cho năm 2020 (không bao gồm các năm trước) là 82,8% vào tháng 12/2020, so với 67,5% vào năm 2019.
Bên cạnh đó, một điều tích cực khác là Kho bạc Nhà nước chỉ vay trong nước khoảng 43,6 nghìn tỷ đồng vào tháng 12/2020, tất cả đều có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Đồng thời, thanh khoản dồi dào đã khiến chi phí đi vay giảm đều đặn, với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào ngày 23/12 chỉ ở mức 2,28%, thấp hơn 0,2% so với cuối tháng 11. Điều này khiến cho Việt Nam chưa phải nhờ cậy các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp đặc biệt, ngay cả khi được chào mời trong trường hợp cần thiết trong thời gian tới.
Nêu khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, các chuyên gia WB cho rằng, trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần chú ý đến Việt Nam sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch. Việc phê duyệt một số vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2020 mang lại hy vọng về triển vọng tích cực hơn vào năm 2021, đặc biệt là đối với ngành du lịch và hàng không. Tuy nhiên, nếu chậm trễ trong phân phối và sử dụng vắc xin thì đó sẽ là rủi ro với những ngành này.
Các chuyên gia của WB khuyến nghị, Chính phủ sẽ cần phải đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách tài khóa và tiền tệ liên quan đến Covid-19 đã được ban hành để hỗ trợ nền kinh tế. Việc xem xét thời điểm gỡ bỏ các chính sách đã được ban hành về tài khóa và tiền tệ liên quan đến Covid-19 đã được WB khuyến nghị từ báo cáo bán thường niên Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam cuối năm 2020. Theo đó, nếu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra chậm hơn dự kiến, Chính phủ cần phải cân đối giữa hỗ trợ nền kinh tế thông qua kích thích tổng cầu với nhu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung và dài hạn.
Thu hút vốn FDI vẫn là thành tựu lớn dù có bị chậm lại
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm lại trong tháng 12/2020 với tổng số vốn FDI đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD vào tháng 12/2020, thấp hơn khoảng 28,9% so với tháng trước và thấp hơn 66,3% so với tháng 12 năm trước. Nhìn chung, Việt Nam đã thu hút được hơn 28,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020, thấp hơn khoảng 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo WB, đây vẫn là một thành tựu lớn, bởi theo dự báo từ UNCTAD (Hội nghị Liên Hiệp quốc về thương mại và phát triển), dòng vốn FDI vào Đông Á sẽ giảm 30 - 45% vào năm 2020.
|