Chuẩn bị nguồn hàng lớn
Theo thông lệ, vào dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền, giá cả thường có biến động tăng. Giá cả tăng dịp này không nằm ngoài quy luật, song từ nhiều năm qua, các cơ quan quản lý đã có kinh nghiệm trong điều hành, có phương án chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đa dạng chủng loại, đồng thời thực hiện biện pháp bình ổn giá. Nhờ đó, giá cả thường biến động nhẹ, tăng khoảng từ 15 - 20%, nhưng không để xảy thiếu hàng sốt giá hoặc đầu cơ tích trữ, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều năm qua, vào dịp trước Tết, Bộ trưởng Bộ Tài chính thường ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá với nhiều chỉ đạo rất cụ thể, giao việc cho từng đơn vị trong ngành Tài chính, các Sở Tài chính địa phương… Theo đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức các đoàn công tác nhằm kiểm tra và nắm tình hình thực hiện quản lý, điều hành, bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán tại một số địa phương thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Theo chân đoàn công tác do Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn làm trưởng đoàn tới 3 tỉnh: Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, ghi nhận của chúng tôi đó là các địa phương đã hết sức linh hoạt, chủ động và nhịp nhàng trong quản lý, điều hành giá cả thị trường. Bởi vì chỉ có như vậy mới kiểm soát được lạm phát chung của cả nước ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm, nhằm thực hiện mục tiêu chung Chính phủ giao đó là kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Qua nghe báo cáo, nắm tình hình và trực tiếp đi khảo sát ở một số địa điểm như chợ trung tâm, siêu thị, điểm bán hàng tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, mẫu mã đã được các doanh nghiệp lớn trên địa bàn chuẩn bị nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp chung tay cùng với địa phương khi cam kết bán hàng bình ổn một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá thấp hơn giá thị trường; chuẩn bị các phần quà để trao tới tay người nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
Tại địa phương còn nhiều khó khăn như Kon Tum, tổng kinh phí doanh nghiệp chủ động nguồn hàng dự trữ cũng lên tới 65,66 tỷ đồng. Kon Tum có 7 điểm bán hàng cố định ở các huyện, thành phố; 2 điểm bán hàng bằng xe lưu động tại huyện Kon Plông và Đăk Glei phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thời gian bán hàng bình ổn khá dài, trong vòng hơn 3 tháng, từ tháng 12/2020 đến 12/3/2021.
Giá có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum là những địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Sở Tài chính đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan, trình UBND tỉnh các phương án để thực hiện quản lý, điều hành và bình ổn giá thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Theo chức năng nhiệm vụ của mình, các sở ngành như: Công thương, quản lý thị trường, giao thông vận tải... đều có phương án để quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Kon Tum cũng là địa phương có nhiều sáng kiến trong quản lý giá cước vận tải dịp Tết này. Tỉnh chỉ cho thực hiện bù đắp phụ thu 1 chiều, đồng thời kiểm soát thu hẹp thời gian phụ thu. Nghĩa là áp dụng mức giá phụ thu trong 10 ngày trước Tết và 8 ngày sau Tết.
Lãnh đạo Sở Tài chính một số tỉnh cho rằng, trong năm 2021, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chủ động, linh hoạt trong điều hành để đảm bảo giá cả thị trường ổn định, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn ở mức thấp, góp phần vào hoàn thành mục tiêu chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn Quốc hội đề ra.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, các sở, ngành tại địa phương, đặc biệt là Sở Tài chính đã chủ động vào cuộc trong thực hiện quản lý, điều hành giá dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nói riêng và điều hành giá năm 2021 nói chung. Đến thời điểm hiện nay, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, địa phương đã chuẩn bị tốt các phương án, chủ động ra quân, chuẩn bị tốt lượng hàng hóa để bình ổn thị trường dịp Tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý các địa phương không chủ quan trong điều hành, bởi thời điểm này thị trường Tết chưa thực sự sôi động, thị trường Tết chỉ nhộn nhịp ở thời điểm sau rằm tháng Chạp âm lịch, do đó, các đơn vị chức năng phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kiểm soát tốt cân đối cung cầu, kịp thời có phương án để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, té nước theo mưa, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.
Theo dự báo những ngày cận Tết nhu cầu mua sắm tăng dần dẫn đến tình hình giá cả sẽ có biến động, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, bởi các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên bám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá quá mức nhằm thu lợi bất chính.
Quản chặt giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu
Các đoàn công tác của Cục Quản lý giá phối hợp với địa phương nắm bắt, đánh giá diễn biễn giá của các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Trong đó, sẽ tập trung vào mặt hàng nông sản thiết yếu như thóc, gạo, rau củ quả, thực phẩm tươi sống..., các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác tại các địa bàn bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh (nếu có), tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.
|