Vốn chưa phân bổ chiếm gần 16% kế hoạch
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, hiện vẫn còn gần 73.185 tỷ đồng vốn đầu tư chưa được các bộ, ngành, địa phương triển khai phân bổ, chiếm 15,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Cụ thể, các bộ, ngành chưa phân bổ gần 26.199 tỷ đồng; các địa phương chưa phân bổ trên 46.986 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa triển khai phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,7%), Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (88%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (trên 85%), tỉnh Gia Lai (trên 72%), tỉnh Hà Tĩnh (trên 61%)…
Nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1, chưa phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 theo quy định của Chính phủ (các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các dự án quá thời gian thực hiện so với quy định…).
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện còn 38 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao do tăng từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 18 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương; trong đó, một số địa phương có tỷ lệ phân bổ kế hoạch vốn này đạt rất thấp như: Bạc Liêu (1,94%), Kiên Giang (8,92%), Hòa Bình (9,31%), Hưng Yên (9,45%)…
Ngoài việc nguồn vốn chưa được phân bổ hết thì dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại tại một số địa phương đã khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư trong tháng 1 và tháng 2/2021 đạt thấp. Theo ước tính của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 28/2/2021 mới có trên 23.487 tỷ đồng được giải ngân, đạt trên 5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng nguồn vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân (ước tỷ lệ giải ngân tháng 1 và 2 chỉ đạt 0,38%).
Cần khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ vốn
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhập kế hoạch vốn trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) theo đúng quy định.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì xây dựng chương trình, đề xuất phương án bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng quy định tại các luật hiện hành và triển khai các quy định mới liên quan tới quản lý định mức đầu tư.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm; đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021; chú trọng triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đến kho bạc nhà nước (nơi mở tài khoản) để xác nhận vốn năm 2020 còn lại chưa giải ngân để làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021...
12 địa phương có tiến độ giải ngân tốt
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đối với số vốn đủ điều kiện phân bổ, đến nay có 12 bộ, ngành đã thực hiện nhập dự toán trên Tabmis: Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp.
Hiện có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt trên 10% kế hoạch như: Nam Định (trên 25%), Tiền Giang (trên 16%), Bến Tre (gần 16%)...
|