Lợi suất trên các tài sản nợ của Nhật gần như bằng 0 kể từ khi ngân hàng trung ương nước này (BOJ) thực hiện những cải cách từ tháng 4/2013, nhằm kéo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ra khỏi sự trì trệ kéo dài cả thập kỷ.
Châu Âu cũng không phải là nơi đầu tư tốt khi lợi suất ở khu vực này cũng ở mức âm trong năm nay, sau chương trình nới lỏng định lượng.
Vậy tại Mỹ thì sao? Đầu tiên, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang có kế hoạch tăng lãi suất trong khi Kho bạc Mỹ đưa ra mức lãi suất cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Kế tiếp là sự ổn định của đồng đô la Mỹ. Giá trị đồng bạc xanh đang tăng so với hầu như tất cả các đồng tiền khác khiến tài sản của Mỹ càng thêm hấp dẫn.
Ngân hàng HSBC cho biết các nhà đầu tư Nhật có thể rót 300 tỷ USD vào trái phiếu kho bạc Mỹ trong vòng 2-3 năm tới, tăng gấp đôi tốc độ mua của nước này kể từ năm 2012.
Công ty quản lý tài sản Mizuho cho biết, bộ phận kinh doanh trái phiếu nước ngoài của công ty bắt đầu tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ từ giữa năm 2014 và đã đăng ký cho nhiều khách hàng tìm kiếm những tài sản khác thay thế cho các tài sản nợ của Nhật.
Quốc gia chủ nợ
Nhật Bản bắt đầu thể hiện ảnh hưởng trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ từ hơn ba thập kỷ trước, khi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này bùng nổ thặng dư thương mại, giúp quốc gia này có tiền đổ vào trái phiếu kho bạc Mỹ hết năm này sang năm khác.
Đất nước mặt trời mọc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc, với tổng giá trị nắm giữ lên tới 1,23 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Với chính phủ Mỹ, việc Nhật Bản duy trì mua vào trên thị trường trái phiếu Mỹ với quy mô lên tới 12,6 nghìn tỷ USD là rất quan trọng, đặc biệt sau khi Trung Quốc đã cắt giảm việc nắm giữ xuống mức kỷ lục vào năm ngoái, khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất.
Điều đáng mừng là sức mua của Nhật có chiều hướng tăng lên. Theo bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi trên toàn cầu của HSBC, trong số 500 tỷ USD mà các nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường nợ của Nhật Bản để đưa ra nước ngoài cho đến năm 2017, tới 60% trong số này sẽ được đổ vào trái phiếu kho bạc.
Sức hấp dẫn của thị trường Mỹ đến từ chính sách thắt chặt tiền tệ của nước này tại thời điểm mà nhiều quốc gia trên thế giới đang cắt giảm lãi suất, hoặc mở rộng các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thời hạn 10 năm tuần trước đang cao hơn lợi suất trung bình của nhóm G7 ở mức 1,2 điểm phần trăm, mức so sánh cao nhất kể từ năm 2006.
Trong khi đó, lợi suất các tài sản nợ ở Nhật Bản đang bị đẩy xuống, sau khi BOJ rót tới 80 nghìn tỷ yên (659 tỷ USD) vào thị trường nợ nước này. Ít nhất 60% trong số trái phiếu chính phủ với tổng trị giá 8,28 nghìn tỷ yên chỉ đem lại mức lợi suất ít hơn 0,5%, theo dữ liệu của Bloomberg.
“Họ đang buộc mọi người thoát khỏi trái phiếu chính phủ Nhật và tìm kiếm một cái gì đó đem lại lợi suất cao hơn”, John Gorman - người đứng đầu bộ phận giao dịch đồng USD và tỷ giá ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Nomura Holdings Inc cho biết./.