Nhiều cái tên đã từng một thời lừng lẫy hiện đã đi vào dĩ vãng. Nokia là một ví dụ điển hình, đã từng thống lĩnh thị trường điện thoại di động toàn cầu, nhưng hiện đã về tay Microsoft.
Trang The Richest đã điểm qua 12 công ty danh tiếng nhưng hiện chỉ còn tồn tại trong lịch sử.
1. South Sea Company
Trở lại quãng thời gian khi mà chưa có Google và các phương tiện thông tin truyền thông nhanh chóng và thuận lợi như hiện nay, sẽ thật dễ dàng để “đánh lừa” thị trường chứng khoán. Đó chính là những gì đã xảy ra sau khi Anh ký Hiệp ước Utrecht với Tây Ban Nha để chấm dứt chiến tranh vào đầu thế kỷ 18.
South Sea Company được thành lập với mục đích tiến hành thương mại ở Nam Mỹ với Tây Ban Nha. Lúc đó, các thông tin mà sàn chứng khoán London có được cũng chính là lúc công ty này đang bùng nổ. Tuy nhiên, trên thực tế, không hề có một giao dịch nào. Sau bong bóng đầu cơ, giá cổ phiếu lao dốc khi sự thật được vén màn. Những người cầm đầu đã bị bắt và khởi tố.
2. Allied Crude Vegetable Oil Refining Company
Công ty này sụp đổ tháng 11/1963, là một phần của một trong những vụ scandal lớn nhất trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) tính vào thời điểm đó. Allied Crude Vegetable Oil Refining Company được thành lập bởi Anthony de Angelis những năm 1950. De Angelis đã lừa đảo về số lượng dầu mỏ mà ông kiểm soát và thuyết phục trên 50 ngân hàng và công ty đầu tư cho vay để mở rộng kinh doanh.
3. Pan Am
Đối với bất kỳ người nào đi du lịch vào thập kỷ 60, 70, Pam Am là lựa chọn tốt nhất. Công ty đã tận dụng tối đa sự sẵn có của du lịch hàng không và mở rộng lĩnh vực du lịch sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Pan Amcho làm Pan Am trở tay không kịp với các sự cố khủng hoảng. Đầu tiên, danh tiếng của Pan Am đã bị vùi dập sau vụ đánh bom khủng bố chuyến bay 103 năm 1988 đã cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người trên may bay. Chỉ vài năm sau đó, giá nhiên liệu tăng nhanh trong bối cảnh chiến tranh vùng vịnh năm 1991 đã buộc Pan Am phải tuyên bố phá sản.
4. Long-Term Capital Management
Cuộc khủng hoảng tại khu vực Châu Á giai đoạn 1998 ban đầu chỉ là một cuộc khủng hoảng của khu vực với tỷ lệ tăng trưởng và giá đồng tiền của một vài quốc gia sụt giảm, như Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cuộc khủng hoảng này đã trở thành một vấn đề quốc tế khi Chính phủ Nga vỡ nợ và khiến quỹ đầu cơ Long-Term Capital sụp đổ vào năm 1998. Quỹ này đã được hưởng lợi từ việc đầu tư ồ ạt vào đầu những năm 1990. Sự đổ vỡ của quỹ đầu cơ này là một trong những vụ bê bối điển hình nhất trên phố Wall trong những năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
5. Enron
Sự bốc hơi của Enron là một minh chứng rõ rằng về một trong những vụ gian lận quy mô lớn nhất trong lịch sử DN Mỹ. Công ty năng lượng này đã tự vẽ ra bức tranh là một công ty hiện đại có khả năng cạnh tranh trên thị trường bằng việc gian lận sổ sách kế toán, che đậy những thương vụ tài chính và thua lỗ bằng việc sử dụng các công ty vỏ bọc và các đối tác ảo. Khi Enron tuyên bố phá sản năm 2001, hàng nghìn người đã mất việc và hàng tỷ USD đầu tư bốc hơn. Thiệt hại không dừng ở đó, công ty kế toán của Enron, Arthur Anderson cũng buộc phải đóng cửa.
6. WorldCom
Đã từng là công ty viễn thông lớn thứ 2 tại Mỹ, WorldCom sụp đổ sau những bê bối về tham nhũng và gian lận kế toán trong năm 2002. Ba năm trước thời điểm đó, sổ sách của công ty đã bị cố tình làm sai lệch để ngăn chặn việc cổ phiếu giảm giá. Đầu năm 2003, cái tên Worldcom đã không còn tồn tại vì công ty được đổi tên thành MCI Inc. Chỉ ít lâu sau đó, Verizon đã mua lại MCI Inc.
7. Northern Rock
Sự sụp đổ của Northern Rock – một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Anh - là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu oanh tạc quốc gia này. Công ty này đã cung cấp các khoản thế chấp cho những người sở hữu nhà và chấp nhận các khoản gửi tiết kiệm. Hình ảnh hàng dài người xếp hàng để rút tiền trước các chi nhánh cho thấy công ty này đã mất thanh khoản. Chính phủ bắt buộc phải can thiệp vào với một gói cứu trợ cho Northern Rock nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế và phải bán Northern Rock cho công ty tư nhân Virgin Money. Cái tên Northern Rock cũng đã biến mất sau đó.
8. Bear Stearns
Sự thất bại của ngân hàng đầu tư Bear Stearns vào tháng 3/2008 là những dấu hiệu sớm cho thấy những bất ổn của thị trường tài chính. Ngân hàng này hoạt động trên toàn bộ thị trường chứng khoán, gây ra cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn.
Trong nỗ lực tuyệt vọng cứu ngân hàng lớn thứ 5 của Mỹ vào thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang đã cung cấp khoản vay khẩn cấp thỏa thuận với JP Morgan. Tuy nhiên, vẫn không cứu vãn được tình hình. Ngân hàng này đã bị bán cho JP Morgan với giá 10 USD/cổ phiếu. Cái tên Bear Sterns vẫn tiếp tục tồn tại trong 1 thời gian ngắn sau đó, tuy nhiên, JP Morgan đã xóa sạch thương hiệu này vào tháng 1/2010.
9. Lehman Brothers
Sự kiện Lehman Brothers – ngân hàng với lịch sử phát triển hơn 150 năm của Mỹ - sụp đổ vào tháng 9/2008 đánh dấu sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính. Lehman Brothers bị “kẹt vốn” và không còn đủ khả năng vay nợ để đáp ứng các cam kết ngắn hạn. Đến phút cuối, rất nhiều người vẫn kỳ vọng rằng Chính phủ Mỹ sẽ ra tay cứu ngân hàng này. Tuy nhiên, cuối cùng Chính phủ quyết định để cho ngân hàng này phá sản. Tài sản còn lại của Lehman Brothers được giao cho các đối thủ và Lehman Brothers đã trở thành 1 cái tên của dĩ vãng.
10. Washington Mutual
Sự phá sản của Lehman Brothers tưởng chừng như là cú sốc tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, nhưng không. Chỉ 2 tuần sau đó, Washington Mutual sụp đổ và đã trở thành vụ sụp đổ lớn nhất lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng nước Mỹ. Vào ngày 25/9/2009, ngân hàng Washington Mutual đã bị phong tỏa để ngăn chặn những khoản thua lỗ ngày càng chồng chất một cách nhanh chóng. Chỉ trong vòng vài tuần sau đó, 16 tỷ USD tiền gửi đã bị rút ra. JP Morgan đã nhanh chóng mua lại Washington Mutual và các chi nhánh được đặt dưới tên thương hiệu mới - Chase.
11. Blockbuster
Sự biến mất của Blockbuster – công ty cho thuê băng đĩa DVD và trò chơi - là một minh chứng rõ ràng về hậu quả của việc không thể theo kịp với xu hướng phát triển công nghệ và các xu hướng thời thượng. Chỉ trong vòng 10 năm với sự bùng nổ của Internet, Blockbuster đã sụp đổ từ một đế chế kiểm soát thị trường cho thuê băng đĩa, và phải phá sản vào năm 2010.
12. Nokia
Sự phát triển công nghệ điện thoại di động vào những năm 1990 đã làm nên thương hiệu Nokia đình đám. Chính sự phát triển công nghệ cũng đã loại Nokia ra khỏi cuộc chơi vì thương hiệu này không thể cạnh tranh với các đối thủ khác với những sản phẩm đẳng cấp. Nokia đã mất dần giá trị thị trường và tài sản, sau đó rơi vào tay Microsoft. Thương hiệu Nokia cũng không còn, đánh dấu sự chấm hết của Nokia – một công ty của Phần Lan với lịch sử hoạt động hơn 1 thế kỷ./.