Theo IMF, hơn 1 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc không bị thu phí ô nhiễm môi trường từ việc tiêu thụ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ, tương đương với khoản trợ cấp 2,3 nghìn tỷ USD trong năm 2015.
Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, cũng là đất nước có khoản trợ cấp nhiều thứ hai với con số ước tính 699 tỷ USD. Các quốc gia hoặc khu vực tiếp theo lần lượt là Nga, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản.
Bản báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh gần 200 quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận chung để chống lại sự nóng lên toàn cầu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp quốc diễn ra tháng 12 tới đây ở Paris.
Theo Viện nghiên cứu Liên minh Trái đất, 2015 có thể là “năm khủng hoảng đối với nhân loại”, và con người cần phải hành động ngay. Loại bỏ trợ cấp cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, và thiết lập các chính sách cứng rắn về đánh thuế khí thải Carbon dioxide được xem là những biện pháp quốc tế quan trọng hàng đầu, giúp bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu.
Từ lâu nay, IMF cũng đã kêu gọi chính phủ các nước từ bỏ khoản “trợ cấp trước thuế” cho phép các doanh nghiệp và hộ gia đình mua than, xăng dầu hoặc các nguồn nguyên nhiên liệu khác với giá thấp hơn giá thành sản xuất thực tế. Một số quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia và Jordan, gần đây đã tăng giá các nguồn cung cấp năng lượng trong nước để phù hợp với mức giá trung bình của quốc tế.
Chính sách trợ cấp cho năng lượng đang ngày càng bộc lộ những mặt trái của nó. Ngân sách quốc gia bị tăng thêm gánh nặng, sẽ kéo theo việc ngân sách bị cắt giảm ở các lĩnh vực vốn được ưu tiên như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đà phát triển nền kinh tế quốc gia. Mặt khác, không khuyến khích đầu tư tư nhân trong ngành năng lượng đang dẫn đến sự độc quyền, mất tính cạnh tranh trong ngành. Trợ cấp năng lượng quá lớn còn gây ra việc sử dụng lãng phí, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường và đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.
IMF cũng chỉ ra rằng, mục tiêu của chính sách trợ cấp năng lượng là để hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo. Tuy nhiên, có một thực tế là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này lại là tầng lớp trung và thượng lưu.
Theo thống kê, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, 20% những hộ gia đình giàu nhất được hưởng lợi từ chính sách nhiều gấp 6 lần so với 20% những hộ nghèo nhất, đi ngược hoàn toàn mục tiêu mang lại lợi ích cho người nghèo thông qua việc duy trì giá năng lượng ở mức thấp.
Bất chấp những lời kêu gọi của IMF, những năm gần đây chi phí trợ cấp năng lượng vẫn đang không ngừng tăng lên. Năm 2011, khoản trợ cấp này là 2 nghìn tỷ USD, bằng 2,9% GDP toàn cầu. Năm 2013, con số này đã là 4,9 nghìn tỷ USD. Đến năm nay, với mức 5,3 nghìn tỷ USD, trợ cấp năng lượng thậm chí đã vượt quá chi phí chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn thế giới./.