Tất cả mọi vật dụng từ lò nướng, tủ lạnh, máy rửa bát và hay bất cứ vật dụng nào có thể giữ giá trị trong thời khủng hoảng đều rất đắt hàng. Despina Drisi, làm việc tại một cửa hàng điện máy ở ngoại ô Athens cho biết, khách hàng thậm chí còn chấp nhận mua hàng trưng bày.
Thực tế, sự nhộn nhịp của cuộc sống hàng ngày tại Hy Lạp – quốc gia đang chật vật đối mặt với khủng hoảng nợ - có vẻ không thay đổi. Tuy nhiên, đằng sau vẻ nhộn nhịp đó lại chính là một nỗi lo sợ đang ngày càng lớn lên, khi Hy Lạp có thể buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu trong tuần tới nếu như vẫn không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.
Người dân đang nỗ lực để bảo vệ giá trị của cải của mình, mua đồ gia dụng, trang sức hay thậm chí trả trước tiền thuế, với lo ngại về những khoản tiền tiết kiệm của mình sẽ mất đi do hệ thống ngân hàng sụp đổ và phải nhận cứu trợ, giống như những gì đã xảy ra ở đảo Cyprus năm 2013. Tại Cyprus, những khoản tiền gửi trên 100.000 euro đã mất khoảng 40% giá trị.
Thợ kim hoàn George Papalexis cho biết ngày 8/7 vừa qua, ông có một khách hàng muốn mua 1,1 triệu USD tiền trang sức. Tuy nhiên, ông đã từ chối vì ông muốn giữ trang sức hơn là cất tiền ở các ngân hàng Hy Lạp vào thời điểm này.
“Thật sự là tôi không thể tin được là chính mình đã từ chối thương vụ triệu đô đó. Tuy nhiên, nếu chấp nhận, tôi sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn".
Nhiều người mòn mỏi tìm các cây ATM có thể rút được tiền mặt, trong khi nhiều người khác đang cố gắng chia nhỏ các khoản tiền gửi của mình thành nhiều tài khoản khác nhau.
Khi ngân hàng tại Hy Lạp đóng cửa, lượng tiền mặt rút ra bị hạn chế 60 euro/ngày và không thể thực hiện các giao dịch quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu chịu ảnh hưởng.
Chợ bán cá, nơi chỉ chấp nhận tiền mặt, đang ngày càng trở nên thưa thớt. Các cửa hàng dược phẩm của lao đao do không có tiền thanh toán cho các đơn hàng thuốc nhập khẩu. Michalis Moschonas, một dược sỹ tại Athens cho biết, ông phải chấp nhận bán nợ cho nhiều khách hàng vì họ không có đủ tiền mặt để thanh toán.
Đại diện một công ty năng lượng tại Hy Lạp cho biết, công ty của ông đã trả thuế cho cả năm để giảm lượng tiền nắm giữ vì có thể số tiền đó sẽ bị đánh thuế tiền gửi. Ông cũng đang tính mua một chiếc xe ô tô, mặc dù thực sự “tôi không cần”. Mọi người dân tại đây đang muốn nắm giữ các tài sản hiện hữu, hơn là cất tiền trong ngân hàng.
Thậm chí những người không có nhiều tiền cũng đang nghĩ cách tiêu hết số tiền ít ỏi của mình. Một người chỉ có 1.000 euro trong tài khoản đã quyết định mua 1 chiếc iPhone. Một người khác có 10.000 euro, lo sợ có thể mất 20% tiết kiệm, đã quyết định chi 2.000 euro mua quần áo./.