Trong 3 tháng đầu năm 2015, các nhà quản lý quỹ đã huy động được 1,9 tỷ USD để đầu tư vào các doanh nghiệp ở châu Phi khu vực hạ Sahara, theo số liệu của Hiệp hội đầu tư vốn tư nhân vào thị trường mới nổi (EMPEA). Đây là khu vực thu hút được tổng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi cao nhất chỉ sau châu Á.
Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Phi, hạ Sahara xuống còn 4,2% trong năm 2015 từ mức dự báo 4,6% đưa ra hồi đầu năm. Mức dự báo này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 4,4% mà khu vực này đã đạt được trong hơn 2 thập kỷ qua. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng sẽ chậm lại do giá dầu sụt giảm.
John Ashbourne, chuyên gia thị trường châu Phi khu vực hạ Sahara của Capital Economics cho rằng các nhà kinh tế dần mất lạc quan đối với khuc vực này.
Một trong những rủi ro lớn nhất của khu vực này chính là thâm hụt tài khoản vãng lai cùng với đồng tiền suy yếu của Kenya, tăng trưởng chậm chạp của Nam Phi, và những nỗ lực to lớn cần tiến hành để chính phủ mới của Nigeria có thể kéo nền kinh tế phục hồi.
Thêm vào đó, Ashbourne còn đưa ra lời cảnh báo rằng dân số gia tăng nhanh chóng có thể mang lại những thách thức đối với các lĩnh vực công và tài nguyên thiên nhiên, cùng với những khó khăn về thị trường lao động.
Charles Laurie từ công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho biết khu vực hạ Sahara của châu Phi đã có mức tăng trưởng khá mạnh, tuy nhiên, có tiềm ẩn những rủi ro về an ninh.
Rõ ràng rủi ro đối với các nhà đầu tư là hiện hữu. Niềm tin nhà đầu tư ở Kenya đã sụt giảm bởi đe dọa khủng bố, theo Verisk Maplecroft. Du lịch của Kenya – một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã sụt giảm 7,4% trong giai đoạn 2012-13, với tổn thất ước tính 73 triệu USD.
Theo Ngân hàng Thế giới trong báo cáo vào tháng 4 vừa qua, sự gia tăng trở lại của các cuộc xung đột đã làm dấy lên những lo ngại rằng liệu châu Phi có thể duy trì mức tăng trưởng của 2 thập kỷ qua hay không, đặc biệt là các nền kinh tế bị ảnh hưởng./.