Điều này cũng làm dấy lên hy vọng rằng các ngân hàng Hy Lạp sẽ hoạt động trở lại sau hơn 2 tuần đóng cửa.
Quyết định này của ECB được đưa ra ngay sau khi quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ một gói cải cách thắt lưng buộc bụng rạng sáng hôm thứ 5 tuần trước, mở đường cho việc nối lại chương trình cứu trợ tài chính.
“Hôm nay chúng tôi đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, mặc dù thời gian được thu hẹp lại chỉ trong 1 tuần. Chúng tôi muốn xem tìn hình sẽ diễn biến như thế nào”, Chủ tịch Draghi phát biểu tại trụ sở ECB tại Frankfurt.
Sau tin tức về việc nâng mức cho vay, trang Reuters đưa tin các ngân hàng Hy Lạp sẽ được mở cửa trở lại vào thứ Hai tuần tới. Tuy nhiên cả Ngân hàng trung ương nước này và Hiệp hội ngân hàng Hellenic đều chưa lên tiếng xác nhận.
Bước sang tuần thứ 3 đóng cửa với hạn mức rút tiền chỉ có 60 euro/ngày, người dân Hy Lạp đang rút khoảng từ 80 đến 100 triệu euro/ngày từ hệ thống máy ATM của các ngân hàng.
ECB đã thiết lập một quỹ cứu trợ có tên là Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) dành cho các ngân hàng Hy Lạp với một loạt các khoản vay để hỗ trợ khả năng thanh toán của các ngân hàng nước này. Trên thực tế, mặc dù ECB đưa ra các khoản vay nhưng số tiền này lại do chính ngân hàng trung ương của từng nước eurozone chi.
Trước khi gia hạn, ECB duy trì quỹ cứu trợ này ở mức tối đa là 89 tỉ euro.
ECB cũng lựa chọn duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và tiếp tục chương trình mua tài sản khoảng 60 tỉ euro (66 tỉ USD) một tháng của mình với nỗ lực đối phó với tình trạng giảm phát.
Theo ông Draghi, việc giảm nợ cho một nước thiếu tiền mặt là cần thiết nhưng đã không có quyết định nào về việc xoá bất kỳ khoản nợ nào của Hy Lạp.
“Nếu mọi việc tiếp tục tiến triển một cách tích cực như hai ngày vừa qua, chúng tôi sẽ có một chương trình làm việc giữa Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và ECB, hai bên đang theo sát tình hình và sẽ xem xét chính xác nhu cầu của nền kinh tế Hy Lạp”, ông Draghi nói thêm.
Nói về việc Hy Lạp bất ngờ đồng ý yêu cầu thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Adam Posen cho biết đây không phải là điều bất ngờ nhưng ông bày tỏ ngạc nhiên với phản ứng ủng hộ “ly khai châu Âu” (un-European) từ Đức và Phần Lan.
“Đây là điều sẽ xảy ra khi bạn hoàn toàn không có ưu thế gì trong cuộc đàm phán mặc dù điều này không có nghĩa đây là một kết quả đúng. Điều ngạc nhiên là tại sao Đức và Phần Lan mấy ngày qua lại phản ứng không thân thiện với Hy Lạp khi họ có thể tỏ ra rộng rãi hơn”, Posen cho biết.
Đồng euro đã tăng nhẹ lên mức 1,09 USD sau phát biểu của ông Draghi sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần ở mức 1,088 USD trước cuộc họp của ECB cuối tuần qua./.