Một vấn đề lớn với ngành dầu hiện nay là thế giới đang quá dư thừa dầu, khiến giá dầu đang ở mức cực kỳ thấp. Giá một thùng dầu thậm chí còn chưa tới 50 USD.
Các công ty dầu của Mỹ thì vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác, trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC thì từ chối cắt giảm sản lượng.
Bên nào đó sẽ phải nhượng bộ và rõ ràng ở thời điểm hiện nay thì có vẻ như không phải là OPEC.
“Chỉ có một cách để khiến tình trạng dư thừa hiện nay trở lại mức độ kiểm soát đó là sự phá sản hàng loạt của những công ty sản xuất dầu độc lập”, Walter Zimmerman, Giám đốc phân tích kỹ thuật tại Công ty phân tích và dự báo năng lượng United-ICAP cho biết.
Zimmerman không lạ gì với hiện tượng bong bóng hàng hóa nổ tung. Ông từng chứng kiến ba chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ khác nhau và kết thúc là nước mắt của những công ty có tài chính yếu kém.
“Đó là quá trình sinh tồn của những người thích nghi tốt nhất. Nhiều công ty nhỏ có tỷ lệ nợ cao sẽ bị mua lại khi không còn khả năng chịu đựng giá dầu thấp trong một thời gian dài,” Fadel Gheit, một chuyên gia phân tích mảng các công ty năng lượng lớn tại Công ty Oppenheimer & Co cho biết. “Tôi nghĩ sáu tháng tới có thể là giai đoạn khó khăn”, Chuyên gia này nói.
Khi giá dầu còn ở trên trời với mức 80 USD hoặc hơn trong cả thập kỷ, các nhà đầu tư đã bỏ hàng tấn tiền vào các công nghệ khai thác dầu mới. Sự bùng nổ năng lượng dầu đá phiến của Mỹ bắt nguồn từ sự kết hợp công nghệ vỉa thủy lực và khoan ngang để tăng sản lượng khai thác.
Sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi, từ mức 5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2008 lên 9,5 triệu thùng vào tháng 5 năm nay, theo số liệu từ Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ.
Nhưng hiện tại thế giới đã có quá nhiều dầu. Giá dầu sụt giảm từ mức 100 USD/thùng cuối tháng 6 năm ngoái xuống mức 43,46 USD vào tháng 3 năm nay. Nhiều người đã nghĩ ngành sản xuất dầu của Mỹ sẽ sụp đổ vì giá dầu rẻ, nhưng thực tế cho thấy ngành này đã co giãn khá tốt.
Bán tháo hay phá sản?
Một số công ty có khả năng khai thác dầu nhờ hiệu quả và chi phí giảm của công nghệ mới khiến cho công ty vẫn thu được lợi nhuận dù giá dầu thấp. Nhưng ở đầu ngược lại, nhiều công ty đang phải vay nợ cao và họ cần phải bơm dầu để đủ tiền trả nợ.
Vấn đề là cuối cùng các ngân hàng có thể sẽ cắt giảm hạn mức cho vay với những công ty này. Những khoản vay này thường được đảm bảo rủi ro khi giá dầu giảm và rất nhiều điều khoản đảm bảo này đã đến hạn hoặc chuẩn bị đến hạn.
Zimmerman cho rằng, kịch bản có thể xảy ra là sẽ có một đợt giảm giá hàng loạt từ các công ty dầu nợ nhiều. Một số khác có thể phải xin phá sản và để lại các giếng dầu cho các ngân hàng. Những tài sản này sẽ nhanh chóng bị bán lại cho các công ty lớn hơn.
Trong cả hai trường hợp, những công ty có tiềm lực tài chính mạnh sẽ được lợi từ cuộc khủng hoảng.
Mặc dù quá trình sát nhập này có thể không đẹp đẽ, nhưng nó có thể giúp cân bằng thị trường. Các công ty lớn có khả năng mua lại các giếng dầu và cắt giảm việc khai thác do không cần phải lo lắng đến vấn đề trả nợ các khoản vay./.