Thay vì để chính phủ và người dân nộp thuế phải gánh chịu những rủi ro khi các ngân hàng sụp đổ, quy định mới xác định thứ tự chịu lỗ đầu tiên cho các nhà đầu tư và chủ nợ của ngân hàng sau đó mới đến người gửi tiền không có đảm bảo.
Thỏa thuận cũng yêu cầu chính phủ các nước thành viên thiết lập quỹ thanh toán bù trừ quốc gia. Các nước thành viên phải có tiền gửi bảo đảm trong quỹ thanh toán bù trừ quốc gia để có thể huy động tiền khi ngân hàng phá sản.
Bộ trưởng tài chính Hà Lan cho biết: "Cuối cùng thì chúng tôi đã nhất trí về một gói cứu trợ dùng chính vốn của ngân hàng để bảo vệ người nộp thuế, phá vỡ vòng luẩn quẩn trong mối quan hệ của chính phủ và ngân hàng, và khiến các ngân hàng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình".
Bộ trưởng tài chính của Đan Mạch Margrethe Vestager thì chia sẻ trên Twitter rằng, đây còn là một "thỏa ước chính trị" để kiểm sóat khủng hoảng ngân hàng.
Những thỏa thuận giải cứu ngân hàng thua lỗ bằng nguồn vốn tư nhân thay vì nguồn vốn của chính phủ có thể coi như cuộc cách mạng của Liên minh châu Âu, sau khi cơn khủng hoảng đã làm hệ thống bị tê liệt tại cộng hòa Síp và Ai-len, có nguy cơ nhấn chìm cả châu lục.
Tại kỳ họp tuần trước ở Luxembourg, các bộ trưởng bất đồng trong việc có nên để các chính phủ tự quyết định số phận của các ngân hàng. Pháp, Anh và Thụy Điển ủng hộ sự linh động như vậy.
Nhưng một số nước, đặc biệt là Đức, lo ngại nếu trao cho các chính phủ quyền tự quyết rộng như vậy, mọi việc sẽ trở nên đáng sợ vì các ngân hàng dễ ỷ lại vào quỹ cứu trợ tài chính quốc gia.