Hơn 300 CEO đến từ 28 quốc gia tham gia khảo sát nhận định rằng thị trường lao động Hoa Kỳ trở nên cạnh tranh hơn và sự suy yếu của đồng đôla Mỹ đã cải thiện tình hình xuất khẩu. Những nhận định này đã giúp Hoa Kỳ giành lại vị trí số một sau khi đứng ở vị trí thứ tư trong năm 2012.
Cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản và sản xuất dầu khí gia tăng, nước Mỹ đã trở lại ngôi vương bất chấp những chính sách tài khóa còn mơ hồ và vấn đề nợ còn khá nghiêm trọng.
Hơn một nửa số nhà đầu tư tham gia khảo sát tin tưởng nền kinh tế toàn cầu sẽ khôi phục. Cụ thể, 24% khẳng định sự phục hồi sẽ diễn ra vào năm sau, trong khi 28% ít lạc quan hơn và cho rằng điều đó xảy ra muộn hơn vào năm 2015.
Tâm lý đầu tư đã khác so với năm 2010. Năm đó, có đến 42% các nhà đầu tư nghĩ rằng sự phục hồi sẽ diễn ra chỉ trong vòng một năm.
Tuy nhiên, chủ tịch công ty tư vấn AT Kearney nhấn mạnh: "Điểm sáng của năm nay là các nhà đầu tư đang thể hiện sự phán xét chuyên nghiệp hơn về những rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng và thời gian bao lâu nữa nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi".
Các CEO tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan nhất về triển vọng của Hoa Kỳ, 63% trong số họ hy vọng vào một tốc độ tăng trưởng thực sự. Trong khi đó, 62% tin rằng châu Âu khó có thể tăng trưởng, thậm chí trở lại suy thoái trong vòng ba năm tới.
Khảo sát cũng cho thấy khoảng 90% các nhà đầu tư nhận định cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.
Chỉ số niềm tin đầu tư xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí những thay đổi chính trị, kinh tế và pháp lý sẽ ảnh hưởng thế nào đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc thì Brazil, Canada và Ấn Độ cũng năm trong top 5 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất./.