Truyền thống đốt “tiền âm” cho ông bà tổ tiên đã có từ hàng trăm năm nay ở một số nước châu Á, với quan niệm hy vọng người đã chết sẽ có cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia.
Siêu lạm phát
Thời xưa, tiền thường là giấy mỏng được in mệnh giá nhỏ tượng trưng. Tuy nhiên, những năm gần đây tiền gửi đi càng ngày càng phô trương hơn. Mệnh giá tiền càng ngày càng lớn, lên đến hàng triệu hay thậm chí hàng tỷ đô la.
Ở Hồng Kông, có những con phố hẹp tràn ngập các cửa hàng bán đồ dành cho người đã chết, phổ biến nhất là loại tiền mệnh giá 1 tỷ USD. “Đó chính là siêu lạm phát, giống như tình trạng ở Zimbabwe”, giáo sư kinh tế Timothy Hau ở ĐH Hồng Kông nói.
Lạm phát dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng 7 âm lịch này, tháng mà người ta tin rằng cổng địa ngục mở ra và những âm hồn đói khát được phép trở lại dương gian. Gia đình nào cũng gửi đi rất nhiều tiền bạc, đồ dùng.
|
Một lễ cúng tháng 7 âm lịch ở Trung Quốc. Ảnh: Anotherasia
|
Nghề kinh doanh phục vụ ma chay, thờ cúng cũng phát triển mạnh. Ở Hồng Kông, trong những khu phố sang trọng, cạnh các cửa hàng bán sâm và vi cá mập là những cửa hàng phục vụ đồ ma chay với đủ sản phẩm, từ dimsum đủ màu sắc đến máy điều hòa, đầu DVD… Tất cả đều làm bằng giấy để “gửi đi” bằng cách đốt cháy.
Lạm phát ở chốn âm phủ cũng tương tự như ở thế giới thực. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc chịu tác động lớn của giá cả tăng vọt, đặc biệt là giá nhà ở và thực phẩm.
“Lạm phát ở khắp mọi nơi, thế nên tất nhiên âm phủ cũng không tránh được lạm phát”, một người bán hàng cho biết. Tờ tiền mệnh giá 1 nghìn tỷ đô la là bán chạy nhất tại đây vì nó giúp người âm mua được đủ thứ, kể cả ô tô và nhà, cô giải thích.
Tuy nhiên, tiền mệnh giá thấp vẫn cần đến để "người âm" có thể mua những thứ lặt vặt như quần áo, thức ăn.
Bên trong những cửa hàng này, người ta có thể thấy những dấu hiệu đáng kể hơn về sự bùng nổ tiêu dùng ở chốn âm phủ. Từ những thẻ tín dụng hạng VIP của Ngân hàng Địa phủ, của American Express cho đến các loại iPads, TV màn hình phẳng, kính 3D và ô tô thể thao.
|
Tiền giấy tung bay trong dịp lễ tháng 7 âm lịch ở Indonesia. Ảnh: Reuters
|
Thiều chế tài kiểm soát ?
Các nhà kinh tế cho rằng, "giống như ở thế giới thực, âm phủ cũng lạm phát bởi họ không kiểm soát được lượng tiền đưa vào nền kinh tế. Vàng mã ngày càng được đốt nhiều vì thế lạm phát tăng vọt".
Trả lời về vấn đề này, Ủy ban tiền tệ Hồng Kông cho biết họ không thể giải quyết vấn đề lạm phát ở thế giới âm bởi thiếu chế tài. “Chúng tôi không thể thống kê được số lượng tiền đã phát hành hay kiểm soát được hoạt động phát hành”, phát ngôn viên của Ủy ban này cho biết.
Kenny Cheung, Giám đốc công ty dịch vụ tang lễ ở Hồng Kông cho biết, ông chỉ đốt những ly trà sữa và quần áo comple cho ông bà đã khuất trong ngày rằm tháng 7. “Chỉ cần tình cảm thật sự chân thành, không cần phải đốt nhiều tiền bạc làm gì”, ông nói.
Mặc dù ông bán những tập tiền 1 nghìn tỷ đô la Hồng Kông với giá tiền thật là 6,5 đô la Mỹ, cũng như đủ loại thẻ tín dụng cao cấp bằng giấy, nhưng ông cho rằng đó không phải là thói quen tốt, kể cả cho người còn sống hay đã chết.
 |
Những ngôi nhà cháy rụi trong lễ tháng cô hồn ở Singapore. Ảnh: Anotherasia.
|
"Không tiền, không vui"
Theo truyền thống của người Trung Quốc, việc đốt vàng mã là thuộc về văn hóa hơn là tôn giáo, một hành động thể hiện sự quan tâm đối với người đã khuất. Quan niệm của người Trung Quốc cho rằng “trần sao, âm vậy”, thế giới bên kia cũng có đầy đủ bộ máy hành chính với tất cả lề thói thông thường, không loại trừ cả việc “hối lộ”.
“Thế giới bên kia cũng có cả tham nhũng”, giáo sư Maria Tam của Đại học Hồng Kông cho biết. Chẳng hạn, nếu đốt một ngôi nhà cho người thân, bạn cũng phải đốt theo một ít tiền, gọi là “tiền quan”, nhằm mục đích “lót tay” cho quan chức ở âm phủ để họ cho phép người thân của bạn nhận được nhà.
Tiền được dùng vào rất nhiều mục đích khác nhau, kể cả để đánh bạc. “Không tiền, không vui, ở đâu cũng thế”, giáo sư Tam nói./.