Kinh doanh cầm đồ đang thu hút không ít sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tại Singapore, giá cổ phiếu của công ty MoneyMax Financial Services đã tăng hơn 30% so với giá lên sàn hồi tháng trước.
Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đang cố gắng thoát khỏi hình ảnh của mình như là điểm đến cuối cùng cho những người bí bách về tài chính. Tuy vậy, thành công bất ngờ của các họ cũng có thể chỉ ra những vấn đề mà các nền kinh tế của Đông Nam Á đang gặp phải, khi tiệm cầm đồ và các ngành kinh doanh tương tự thường chỉ phất lên khi ngân sách hộ gia đình bị thắt chặt.
Bên trong một cửa hàng cầm đồ của Cash Converters tại phía Đông Singapore, một tượng Phật Di Lặc bằng vàng được đặt sát cạnh với những túi xách hàng hiệu, một cây đàn vĩ cầm cũ, đồ điện tử và rất nhiều nhẫn kim cương. Trên quầy, nhiều người già và trẻ đang đợi đợi đồ của mình được định giá, trong khi một số người mua đang săn lùng những món hời.
“Đúng là khi nền kinh tế khó khăn giúp chúng tôi có thêm nhiều khách hàng,” Jeremy Taylor, giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty trên cho biết. “Đông Nam Á bị ảnh hưởng không nhiều bởi những gì đang diễn ra ở Châu Âu. Tuy vậy, khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, tình hình có vẻ còn căng thẳng hơn.”
Cash Converters là một mạng lưới nhượng quyền chuyên cung cấp những khoản vay cầm cố cho khách hàng tại một số thị trường như Australia, nhưng tại thị trường Singapore và Malaysia, công ty này lại chuyên mua đi, bán lại những đồ “second-hand”.
Taylor cho biết lượng khách đến 15 tiệm cầm đồ của công ty tại Singapore và Malaysia đã tăng 5-10% trong vòng 3 tháng qua.
Không riêng Singapore, tiệm cầm đồ cũng đang ăn nên làm ra ở cả Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Theo báo cáo mà Credit Suiee công bố hồi cuối tháng 7, Thái Lan, Indonesia và Malaysia hiện giữ 3 trong 4 nước đứng đầu về mưc nợ của các hộ gia đình trong khu vực Châu Á. Và những ai không đáp ứng điều kiện để vay tiền ngân hàng đang tìm đến những nguồn vốn khác ngày một nhiều hơn.
Nhiều chủ tiệm cầm đồ đã thay đổi mặt tiền cửa hàng của mình, để trông sao cho hiện đại hơn và ưa nhìn hơn. Các khách hàng cũng thích sự tiện lợi và linh hoạt trong việc lấy lại những món đồ của mình khi tài chính dư dả hơn.
Công ty Cash Converters dự kiến sẽ mở thêm nhiều tiệm cầm đồ vào nửa đầu năm sau và mở rộng hoạt động kinh doanh sang cung cấp dịch vụ tại nhà, trực tuyến hướng tới đối tượng là những khách hàng trẻ tuổi.
Trong khi đó, Easy Money, công ty điều hành chuỗi tiệm cầm đồ lớn nhất tại Thái Lan cũng ghi nhận lượng khách tăng 15-20% trong những tháng gần đây, đặc biệt là tại những khu vực gần thủ đô Bangkok.
Sittiwit Tangthanakiat, Giám đốc điều hành công ty này cho biết rằng số lượng cửa hàng cầm đồ của công ty đã tăng gấp đôi so với năm ngoái và dự kiến sẽ tăng thêm trong năm tới nữa.
“Nếu khoản nợ của các hộ gia đinh tiếp tục gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều khách hàng tìm tới tiệm cầm đồ,” Tangthanakiat nói, ước tính ngành cầm đồ của Thái lan có giá trị lên tới 170 tỷ baht, tương đương 5.3 tỷ USD.
Singapore hiện nay có tới 200 cửa hàng cầm đồ, tăng so với con số 114 cửa hàng được mở năm 2008. Số tiền mà các cửa hàng này cho vay năm ngoái đạt 7,1 tỷ đô la Singapore, gấp gần 4 lần năm 2008.
“Tại Singapore, mức lãi suất cao nhất theo quy định áp dụng cho các khoản vay tại cửa tiệm cầm đồ là 1,5% một tháng, mức lãi suất thấp nhất trên thế giới. Điều này phần nào giải thích tại sao mà tiệm cầm đồ trở nên phổ biến tại đây”, Yeah Lee Ching, giám đốc điều hành của ValueMax Group cho biết.
Không chỉ riêng các khách hàng cá nhân mới tìm đến các cửa hàng cầm đồ, ở Việt Nam ngay cả các công ty hiện đang khát vốn cũng đến đây để cầm cố xe ô tô, thậm chí cả văn phòng để tồn tại qua thời khó khăn.
“Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2009, số chủ doanh doanh nghiệp tìm đến chúng tôi đã tăng lên đáng kể,” chủ một cửa hàng cầm đồ ở Hà Nội cho biết. Theo ước tính, hiện có khoảng hơn 2.700 cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội./.