Hạ viện Mỹ do Ðảng Cộng hòa kiểm soát đòi trì hoãn chương trình bảo hiểm y tế Obamacare trong một năm để đổi lại việc cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ.
Trong khi đó, Tổng thống Obama muốn chi một phần trong tổng số 986 tỷ USD của dự luật ngân sách tạm thời cho chương trình y tế này bởi nó đã bị trì hoãn quá lâu.
Những thống nhất về chi ngân sách phải được đưa ra trước ngày mai. Nếu không, chính quyền Mỹ đối mặt với nguy cơ đóng cửa và nhân viên liên bang phải nghỉ làm không lương.
Kinh tế trưởng Paul Bloxham của HSBC tại Úc và New Zealand cho biết khả năng chính phủ đóng cửa là rất cao bởi đã có tiền lệ. Nhưng theo ông, vấn đề lớn nhất là việc nâng trần nợ chính phủ sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ 16.700 tỷ USD cách đây bốn tháng. Bộ trưởng tài chính Mỹ đang kêu gọi chính quyền Obama nâng trần để tránh bị vỡ nợ.
Trong khi đó tại châu Á, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ đưa ra quyết định tăng thuế bán hàng vốn gây nhiều tranh cãi vào ngày mai.
Đến cuối tuần, Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ kết thúc cuộc họp về chính sách tài khóa.
Các chuyên gia của HSBC cho rằng với việc nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều khả năng việc nâng thuế là trong tầm tay.
Họ cho rằng đó là một bước đi tích cực, thể hiện nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách của Nhật Bản.
Ngày mai cũng là thời điểm Ngân hàng Quốc gia Úc ngồi họp và dự kiến giữ các lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 2,5%.
Trong khi đó, ước tính chỉ số PMI tháng 9 của Trung Quốc có thể đạt 50,2 điểm, kém xa con số kỳ vọng ban đầu 51,2 điểm, nhưng nhỉnh hơn PMI tháng Tám. Chỉ số PMI chính thức sẽ được ban hành vào ngày mai.
Một số dữ liệu kinh tế châu Á khác công bố trong tuần này bao gồm lạm phát tại các nước Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines.