“Cuộc khủng hoảng 2008 xảy ra bởi tăng trưởng tín dụng một cách tràn lan và quá nhanh, và hiện nay, tỷ lệ tín dụng trong nền kinh tế còn lớn hơn rất nhiều”, Faber nói với đài CNBC.
Ông dẫn một báo cáo gần đây của cựu chuyên gia kinh tế của ngân hàng International Settlements, William While cho thấy, tỷ lệ của tổng tín dụng ở các nền kinh tế phát triển trong tổng GDP hiện nay cao hơn 30% so với năm 2007.
“Chính vì thế, kinh tế thế giới đang ở tình trạng tồi tệ hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu,” Faber nói. Trung Quốc là một ví dụ với tỷ lệ tín dụng trong nền kinh tế tăng tới 50% trong vòng 4 - 5 năm qua. “Đây là tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên toàn Châu Á.”
Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng chóng mặt của Trung Quốc trong những năm gần đây có thể mang tới một nguy cơ rất lớn về một cuộc khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới này.
Với quan điểm bi quan, Faber cũng bày tỏ lo ngại về sự qua gia tăng nợ của các hộ gia đình ở Châu Á. Ông cho biết nợ của chính phủ không tăng, nhưng nợ của các hộ gia đình đang tăng lên rất nhanh.
Theo Barclays, Singapore là một trong những quốc gia có mức vay nợ của các hộ gia đình so với GDP cao nhất ở Châu Á với tỷ lệ 75%, tăng từ 63% trong năm 2010, bởi vì lãi suất thấp khuyến khích các gia đình vay nọ nhiều hơn.
Hậu quả sẽ rất tồi tệ. Có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra và chính phủ phải in thêm tiền. Hoặc nếu không, sẽ rơi vào vòng xoáy lạm phát, Faber dự đoán.
“Tại sao giá cả của rất nhiều hàng hóa ở Singapore và Hong Kong cao hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Bởi vì khi lạm phát tài sản và giá bất động sản cao, chi phí thuê cửa hàng cao đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Lạm phát tài sản đã chảy sang lạm phát tiêu dùng,” Faber nói.