Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cho ngành khai thác dầu mỏ, lĩnh vực mạnh nhất của đất nước này.
Trung bình, Iran sản xuất khoảng 2,5 triệu thùng mỗi ngày, cách xa mức kỷ lục 4 triệu thùng một thập kỷ trước. Sản lượng hiện tại đang dao động quanh ngưỡng đạt được vào cuối cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq. Giá dầu thô Brent trung bình là trên 100 USD/thùng, trong khi các lệnh trừng phạt hạt nhân khiến Iran mất 50 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù thỏa thuận tạm thời với kỳ hạn 6 tháng được coi là một bước đột phá, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết hầu hết các biện pháp trừng phạt sẽ được giữ nguyên, bởi cả thế giới còn muốn đánh giá ảnh hưởng của chúng tại Iran.
Iran chiếm khoảng 9% trữ lượng dầu của thế giới. Nhưng bốn nhà nhập khẩu lớn nhất của đất nước Hồi giáo Trung Đông này, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều phải cắt giảm ít nhất 1/3 lượng nhập khẩu trong những năm gần đây do áp lực từ phía Mỹ và châu Âu.
Mỹ và châu Âu thắt chặt thêm các chính sách cấm vận theo từng năm, từ dầu mỏ cho đến giao thương bằng đồng đô-la và euro. Nhiều chuyên gia tại Trung Đông cho rằng chính sự cô lập kinh tế đó là lý do khiến chính phủ Iran chịu đàm phán.
Trong năm 2012, bản tệ của Iran, đồng Rial, giảm tới 80% giá trị. Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng chóng mặt và nền kinh tế Iran đã phải trải qua giai đoạn siêu lạm phát.
Cũng trong năm ngoái, lĩnh vực sản xuất của Iran đã cắt giảm hơn 800.000 lao động. Những người may mắn giữ được việc thì bị cắt lương một cách đáng kể.
Ông chủ của các mỏ dầu tại Iran cho biết, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được sẽ giúp xóa tan khối đen đang bao phủ thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, tổng thống Hassan Rouhani và nội các của ông sẽ phải thiết lập các cam kết tốt hơn, nếu không lệnh trừng phạt sẽ được tăng cường.
Phía Ả Rập Xê-Út bày tỏ sự nghi ngờ về thỏa thuận này và cho rằng sẽ có rất nhiều thay đổi trong khối OPEC. Trong khi Iraq có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2020 đến 6 triệu thùng/ngày, nhưng vì Iran đang muốn phục hồi tình hình xuất khẩu, Iraq có thể sẽ phải giảm sản lượng để bảo vệ giá.
Vẫn còn quá sớm để tiên lượng về tương lai của Iran. Nhưng đất nước gần 80 triệu người này có khả năng trở thành cường quốc mới của vùng Trung Đông nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, với điều kiện Iran thực hiện các cam kết để thoát khỏi cấm vận.