Đây cũng là một phần trong kế hoạch cắt giảm khoản kinh phí lên tới 2 tỷ đô la Úc (khoảng 1,8 tỷ USD) trong ba năm tới của hãng hàng không này. Qantas cũng từng có giai đoạn là cổ đông chính của hãng hàng không giá rẻ Jestar Pacific tại Việt Nam.
Theo BBC, Qantas cũng đã lên kế hoạch cắt giảm 50 máy bay do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn tại thị trường nội địa cũng như nước ngoài.
CEO của Qantas, ông Alan Joyce thừa nhận, hãng này hiện đang phải đối mặt với những thử thách to lớn và cần phải có những hành động "với quy mô và chiều sâu chưa từng có trước đây" để thích ứng với những thay đổi trong ngành hàng không tại Úc.
Theo ông Joyce, tập đoàn của ông đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu với quy mô lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với việc cắt giảm 19% chi phí đơn vị, tuy nhiên, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ để giúp họ vượt qua “cơn sóng gió” hiện tại.
Qantas đang cố gắng thuyết phục Chính phủ rằng, họ hoàn toàn xứng đáng nhận được các khoản hỗ trợ tài chính cũng như đề xuất Chính phủ nới lỏng quy định trong sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, Tổ chức Đánh giá tín dụng uy tín Standard & Poor (S&P) đã hạ xếp hạng tín nhiệm của hãng hàng không này xuống mức “junk” (vô giá trị) - tức không đáng hay hết hy vọng đầu tư.
S&P cho biết, quyết định hạ bậc tín nhiệm đã phản ánh đánh giá của tổ chức này rằng, tình hình cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hàng không đã khiến mức đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Qantas bị hạ từ bậc “đủ đáp ứng” xuống bậc “tương đối”./.