"Đầu kéo" của các nền kinh tế mới nổi
Trong báo cáo công bố đầu tháng 4 về “Triển vọng kinh tế thế giới”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tính toán tác động của các yếu tố bên ngoài (cầu tăng, thắt chặt tài chính và tiền tệ, giá nguyên liệu) đối với tăng trưởng của 16 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. IMF chính thức kết luận, những yếu tố bên ngoài này quyết định 50% biến động tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Theo IMF, GDP của Trung Quốc tăng thêm 1% sẽ giúp tốc độ tăng trưởng trung bình của 16 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới tăng thêm 10% (cũng theo tính toán của IMF, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với 16 nền kinh tế mới nổi của thế giới là 1% và 30%). Theo nhận định của các chuyên gia, tác động này không chỉ dừng lại ở ngắn hạn.
Trong khi các quốc gia phát triển đang chìm trong “đại khủng hoảng”, nhu cầu của Trung Quốc về các sản phẩm tới từ châu Á hoặc các nguyên liệu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi hay Nam Mỹ, cho phép các quốc gia mới nổi hạn chế được tác động từ khủng hoảng. Trong năm 2010-2011, tăng trưởng hàng quý của các nước mới nổi đã tăng trung bình 3,75% so với năm 2008-2009. Riêng Trung Quốc đã giúp các nước mới nổi có thêm 0,5% tăng trưởng trong số 3,75% này.
Từ khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, tăng trưởng của các nước mới nổi đã giảm trung bình 2% kể từ năm 2012 so với thời gian đầu của những năm 2010. Một phần tư trong số tụt giảm này là do ảnh hưởng từ sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Sự suy giảm này liên quan tới chủ ý của chính phủ muốn đưa đất nước đi theo hướng tăng trưởng bền vững hơn.
Mô hình kinh tế "thô sơ hóa"
Không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng, là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia xuất khẩu nguyên liệu và có nguồn tài nguyên dồi dào trên thế giới, Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tới mô hình phát triển của những nước này.
Sophie Chauvin, chuyên gia kinh tế thuộc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị phần Trung Quốc trong xuất khẩu của Braxin tăng từ 3% lên đến 20%. Tuy nhiên, sự gia tăng này đi liền với sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa “sơ cấp” (mặt hàng thô, mới được sơ chế).
“Đây thật sự là một sự “thô sơ hóa” nền kinh tế Braxin, và với việc tiếp tục hướng phi công nghiệp hóa, một hiện tượng bắt đầu từ giữa những năm 1980, thì đây là một trong những hạn chế của mô hình kinh tế Brazil”, chuyên gia Sophie Chauvin phân tích.
Trước nhu cầu lớn về nguyên liệu của Trung Quốc, các quốc gia xuất khẩu như Brazil hay Chile, đã ưu tiên tăng cường xuất khẩu mà quên đi việc phải phát triển ngành công nghiệp của chính mình. Đây chính là hiện tượng kinh tế mà người ta hay gọi là “Hội chứng Hà Lan” .
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đang gây lo ngại cho các nước mới nổi. Tuy nhiên, những sự kiện này cũng có tác động tích cực khi tình hình này buộc các nước mới nổi phải đa dạng hóa nền kinh tế để tăng cường tính bền vững của tăng trưởng./.