Theo nguồn tin của Bloomberg, Credit Suisse đã đạt được một thỏa thuận nhận tội vào hôm nay (19/5) và sẽ trả một số tiền phạt khoảng 2,5 tỷ USD cho Bộ Tư Pháp và các cơ quan quản lý.
Nguồn tin này cho hay, cơ quan quản lý Mỹ đã liên hệ với các đối tác kinh doanh lớn của ngân hàng này để tránh sự hoảng loạn khi thông tin được công bố.
Trước đó, tuần báo của Đức SonntagsZeitung hôm Thứ Bảy còn tiết lộ: Giám đốc điều hành của ngân hàng Brady Dougan và Chủ tịch Urs Rohner có thể sẽ từ chức. Tuy nhiên báo này không cho biết nguồn tin cụ thể.
Credit Suisse sẽ vẫn được cho phép hoạt động ở Mỹ.
Trong động thái trấn an các ngân hàng khác, các cơ quan quản lý nước này đã cam kết tình hình hiện nay sẽ không phát triển thành một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra năm 2008 sau sự kiện ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, Bloomberg đưa tin.
Thách thức lớn nhất mà ngân hàng Thụy Sĩ phải đối mặt lúc này có thể là rắc rối với một số khách hàng riêng của mình, ví dụ như các quỹ hưu trí. Nhiều công ty, tổ chức có những yêu cầu nội bộ cấm họ làm kinh doanh với một đơn vị bị ghi nhận là vi phạm pháp luật.
Nếu các khách hàng tháo chạy, xếp hạng tín dụng của ngân hàng sẽ bị đánh tụt khiến chi phí đi vay của ngân hàng tăng lên.Tuy nhiên, có hai trong số những ngân hàng lớn nhất Mỹ cho biết họ vẫn có ý định tiếp tục kinh doanh với Credit Suisse.
Hiện cả phát ngôn viên của Credit Suisse và Bộ Tư pháp Mỹ đều từ chối bình luận về thông tin trên.
Theo thỏa thuận nhận tội, Credit Suisse sẽ thừa nhận đã giúp các công dân Mỹ trốn thuế. Tuy nhiên ngân hàng này sẽ không phải tiết lộ tên của các chủ tài khoản người Mỹ.
Được biết chính phủ Thụy Sĩ sẽ không vận dụng luật khẩn cấp để giúp đỡ Credit Suisse, báo Schweiz am Sonntag đưa tin, trích lời của Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf trong cuộc họp kín hôm 16/5.
Trước Credit Suisse, tháng 1/2004 ngân hàng của Pháp là Credit Lyonnais SA cũng thừa nhận làm một báo cáo giả gửi lên Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).