Kết thúc cuộc họp chính sách tại Frankfurt, Đức ngày 5/6, ECB đã ra quyết định cắt giảm cả ba loại lãi suất chủ chốt, vốn đã ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, lãi suất cơ bản được cắt giảm từ 0,25% xuống 0,15%, mức thấp kỷ lục mới.
Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm cũng giảm từ 0,75% xuống còn 0,4%. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Eurozone ra đời, tỷ lệ lãi suất huy động đối với tiền gửi của các ngân hàng tại ECB được từ 0% xuống mức -0,1%, đồng nghĩa với việc kể từ nay các ngân hàng sẽ phải chịu một khoản phí khi gửi tiền tại ECB.
Thông tin này phát đi, lập tức làm cho chứng khoán toàn cầu rùng rùng chuyển động. Cụ thể, đóng cửa phiên 5/6, cả ba chỉ số của Phố Uôn đều đồng loạt tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 98,58 điểm (0,59%) lên 16.836,11 điểm; S&P 500 tăng 12,58 điểm (0,65%) lên 1.940,46 điểm. Cả hai chỉ số này đều chốt phiên ở các mức cao kỷ lục mới trong nhiều phiên liên tiếp gần đây. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite phiên này cũng bật tăng mạnh, với 44,58 điểm (1,05%) lên 4.296,23 điểm.
Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chủ chốt trong khu vực cũng phần lớn tăng điểm. Tuy nhiên, tác động từ quyết định mới nhất nói trên của ECB tới các thị trường không kéo dài và một số thị trường đã quay đầu giảm điểm trở lại vào cuối phiên.
Đóng cửa phiên 5/6, DAX 30 của Đức tăng 0,21% lên 9.947,83 điểm sau khi trước đó đã có lúc tăng mạnh và lần đầu tiên trong lịch sử cán ngưỡng 10.000 điểm. Tương tự, chỉ số FTSE-100 của Anh sau khi tăng mạnh sau tuyên bố của ECB đã rơi trở lại và chốt phiên quay đầu giảm 0,08% xuống 6.813,49 điểm. Chỉ có CAC 40 của Pháp là tăng mạnh từ đầu đến cuối phiên và chốt ngày tăng 1,06% lên 4.548,73 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Sang phiên cuối tuần 6/6 trên các thị trường châu Á, màu xanh cũng đang bao phủ trên khắp các sàn chủ chốt của khu vực, chỉ có Nikkei 225 của Nhật Bản là đang tạm để mất nhẹ 0,10%. Chứng khoán Seoul hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
Có thể thấy rằng, sau khi ECB quyết định hạ giảm lãi suất với một loạt giải pháp kích thích tăng trưởng mới của ECB để hỗ trợ nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tránh cho khu vực khỏi nguy cơ giảm phát, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng rất tích cực.
Các quyết định này phù hợp với đa số dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Lãi suất huy động âm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng cho vay lượng tiền dư thừa, qua đó khuyến khích cho vay kinh doanh và tiêu dùng.
Các nhà phân tích cho rằng đây là động thái nới lỏng tiền tệ hết sức mạnh mẽ của ECB và tác động của nó có sức lan tỏa ở cấp toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cắt giảm dần chương trình nới lỏng tiền tệ (QE3) của họ. Quyết định của ECB củng cố thêm niềm tin cho thị trường và giới đầu tư đang sẵn sàng bỏ tiền vào các kênh đầu tư mạo hiểm hơn như chứng khoán./.