Ông Jaitley cho biết thêm, “công văn kể trên đã được gửi đến các quan chức Thụy Sỹ mà chúng tôi đã liên lạc với hy vọng, họ có thể cung cấp cho chúng tôi những thông tin liên quan và chúng tôi cũng mong rằng sự hợp tác giữa các quan chức Thụy Sỹ và Chính phủ Ấn Độ sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp".
Còn theo Hãng tin BBC, Chính phủ Thụy Sỹ đã không có bất cứ cuộc gặp gỡ nào với NewDelhi (thủ đô Ấn Độ) kể từ tháng 2, nhưng họ cam kết vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại nạn trốn thuế.
Trước đó, tờ Press Trust của Ấn Độ trích lời của một quan chức cấp cao của Thụy Sỹ còn cho biết, Thụy Sỹ đã chuẩn bị một danh sách bao gồm tên của những người Ấn Độ đang bị nghi ngờ là cất giấu tài sản trốn thuế tại nước này và họ đã chia sẻ danh sách này với Ấn Độ.
Theo ước tính, người Ấn Độ đã chuyển 500 tỷ USD sang các thiên đường trốn thuế.
Chính phủ Ấn Độ định nghĩa, "tài sản đen" là số tài sản không được báo cáo với chính quyền tại thời điểm phát sinh hoặc khai báo trong suốt thời gian sở hữu. Phần lớn số tài sản này được chuyển đổi thành vàng và được các hộ gia đình giữ ngay tại nhà. Giữ tiền trong các tài khoản ngân hàng nước ngoài là hợp pháp miễn là người gửi khai báo và nộp thuế.
Trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức ngày 26/5, tân Tổng thống Narendra Modi đã thành lập đội điều tra, gồm các cựu thẩm phán và những nhà quản lý đương nhiệm và hoạt động dựa trên chỉ thị của Tòa án tối cao, với nhiệm vụ truy tìm và thu hồi khối tài sản đen “khổng lồ” này.
Ashutosh Kumar Mishra, Giám Đốc điều hành nhánh Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Ấn Độ, cho rằng, việc thu hồi lại "tài sản đen" không hề dễ dàng. Ấn Độ cần đưa vấn đề này lên các diễn đàn quốc tế và gây áp lực lên các ngân hàng nước ngoài nhằm thâu tóm các thông tin khai báo về những các nhân và doanh nghiệp trốn thuế thông qua nhánh ngân hàng đó./.