Hãng hàng không Air France gần đây đã cắt giảm dự báo lợi nhuận năm nay với một trong những lý do được đưa ra chính là “tình hình đầy thách thức tại Venezuela”.
Việc cắt giảm lợi nhuận được đưa ra khi mà ngành hàng không và Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này đang bất đồng về chính sách tỷ giá hối đoái. Một số hãng hàng không cũng đã có động thái điều chỉnh lịch bay, hoặc thông tin về những rắc rối liên quan.
Hãng Delta đã bay đến Venezuela trong suốt 15 năm qua, gần đây cũng công bố kế hoạch cắt giảm chuyến bay hàng ngày từ Atlanta đến Caracas xuống chỉ còn 1 chuyến/tuần kể từ đầu tháng 8 tới.
Hãng American Airlines trong báo cáo quý cũng cho biết một khoản tiền 750 triệu USD của hãng đang gặp rắc rối đối với tỷ giá hối đoái của Venezuela, bởi khoản tiền này có thể được áp dụng tới 3 tỷ giá hối đoái khi chuyển đổi sang USD. Đây thật sự là một vấn đề đau đầu và là một mối đe dọa đối với lợi nhuận của công ty.
Hãng hàng không này cũng cho biết đã cắt giảm các chuyến bay đến Venezuela và cũng cho biết thêm rằng đang bị nợ một khoản tiền khá lớn, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận để giải quyết khoản tiền này đối với Chính phủ Venezuela.
Hãng Air Canada đã tạm dừng các chuyến bay đến Venezuela trong tháng 3, do tình trạng biểu tình bạo động ở quốc gia này vào thời điểm đó. Thêm vào đó, hãng cũng chỉ ra rằng những hạn chế về tiền tệ cũng ảnh hưởng đến tất cả các hãng hàng không.
Theo hiệp hội hàng không quốc tế, 24 hãng hàng không không thể kiếm được tổng cộng 3,9 tỷ USD từ thị trường Venezuela ở mức tỷ giá hối đoái hợp lý do sự kiểm soát của Chính phủ đối với đồng tiền.
Không chỉ ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, các công ty đa quốc gia khác cũng cùng chung cảnh ngộ.
Coca-Cola vào tháng 4 đã cho biết chi nhánh ở Venezuela đã phải chịu gánh nặng lên tới 247 triệu USD do phá giá đồng bolivar của Venezueala.
Procter & Gamble và Colgate – Palmolive đều cho rằng tỷ giá hối đoái của Venezuela đã tạo ra áp lực đối với doanh thu và lợi nhuận của công ty trong 3 tháng đầu năm. Đây không phải là một vấn đề mới vì trước đó Merck đã báo cáo khoản lỗ 140 triệu USD do tỷ giá hối đoái trong quý I/2013.
Venezuela đã áp dụng chính sách kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt kể từ năm 2003. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã phá giá đồng bolivar kể từ khi lên nắm quyền năm 2013.
Hiện tại, Venezuela có 3 tỷ giá hối đoái chính thức khác nhau, bên cạnh tỷ giá chợ đen. Nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ đang cố gắng thu hẹp thâm hụt ngân sách bằng việc phá giá tiền tệ.
Trong khi đó, lạm phát tại đây đã được đẩy lên rất cao và sự thiếu thốn các hàng hóa thiết yếu đã dẫn đến bạo động gia tăng ở quốc gia này vào đầu năm.