Trong khi các thị trường mới nổi cho rằng các tập đoàn lớn là động cơ thúc đẩy nền kinh tế, phần lớn các quốc gia phát triển – trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Hong Kong – lập luận ngược lại.
Theo bà Tamsin Cave thuộc tổ chức Vận động hành lang (lobby) minh bạch của Anh, ngành “công nghiệp” lobby trị giá 3,2 tỷ USD của đất nước này, mà phần lớn là sức mạnh của các công ty lớn, khiến cho tiếng nói của cộng đồng trở nên quá bé nhỏ.
Theo một nhà điều hành quỹ, tại các nước đang phát triển, chính phủ kiểm soát ngân hàng, nhưng tại các nước phát triển thì ngược lại. Doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi là cái kén tạo ra việc làm, trong khi vấn đề thất nghiệp tại các nước phát triển mang tính chính trị nhiều hơn.
Vị giám đốc quỹ này nhận định: “Ở Mỹ, người ta nhìn nhận các tập đoàn lớn chỉ phục vụ lợi ích của các cổ đông vốn đã giàu có, và gây thiệt hại cho cộng đồng”.
Tại nền kinh tế số 1 thế giới, đã từng có thời gian, hơn một nửa những doanh nghiệp lớn nhất không phải trả đủ số thuế thu nhập doanh nghiệp 35%.
Trong hơn 5 năm qua, các công ty dầu khí luôn là nhóm đứng đầu trong việc lobby cho các ứng cử viên với số tiền lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi lần bầu cử. Chỉ trong vòng 3 năm, các công ty dầu khí tại Mỹ đã chi gần 350 triệu USD cho Quốc hội và sau đó được hậu thuẫn vô cùng hậu hĩnh: 20 tỷ USD tiền trợ cấp.
Trong khi đó, đối với các thị trường mới nổi như Nga, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, công chúng cho rằng sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp chủ chốt tới chính phủ là ở mức độ “phù hợp”. Ở Trung Quốc và Nam Phi, họ cho rằng sức mạnh của doanh nghiệp vẫn chưa đủ để chi phối nền kinh tế./.