Sự lao dốc của giá dầu đã kéo theo một đám mây u ám bao phủ khắp các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela, Iran, Iraq,... song lại là tin vui đối với những nước nhập khẩu dầu mỏ.
Những lo ngại về khả năng sẽ bị Mỹ “đá văng” ra khỏi vị trí dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ với sản phẩm dầu khí đá phiến đã khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng dầu ở mức 30 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Kết thúc cuộc họp tại Vienna vào ngày 27/11, OPEC thông báo duy trì sản lượng 30 triệu thùng dầu/ngày, mức cung hạn ngạch được ấn định từ ba năm qua. Quyết định trên là một “gáo nước lạnh” đối với những quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, như Nga, Iran hay Venezuela - những nước chờ đợi OPEC giảm cung để đẩy giá dầu lên cao trở lại - bởi vì từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu trên thế giới đã giảm 35%.
Hậu quả là chốt phiên chiều ngày 28/11, giá một thùng dầu thô Brent đã rơi xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên sau bốn năm tại thị trường London. Còn tại New York, giá một thùng dầu đã giảm 7,54 USD xuống còn 66,15 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Theo báo cáo của Ngân hàng Citibank, trên thị trường “vàng đen” hiện nay cung đã vượt cầu khoảng 700.000 thùng/ngày. Theo giới phân tích, OPEC muốn giữ nguyên mức cung cấp 30 triệu thùng dầu/ngày để làm nản lòng các tập đoàn khai thác khí và dầu đá phiến của Mỹ.
Nhưng đồng thời đây cũng là “một con dao hai lưỡi” vì nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các thành viên trong khối như Iran, Iraq, hay Algéria, Nigeria, Venezuela,…
Thật vậy, những hệ quả từ việc giá dầu giảm tới 35 % kể từ tháng Sáu đến nay đang bắt lan ra ngoài lĩnh vực năng lượng, tác động tới tiền tệ, ngân sách quốc gia và cổ phiếu của các công ty năng lượng.
Giá dầu lao dốc gây tác động nghiêm trọng tới các nước sản xuất dầu mỏ phụ thuộc vào nguồn thu xuất khẩu dầu thô để cân bằ ng ngân sách. Trường hợp của Venezuela, ngay từ ngày 28/11, một ngày sau khi OPEC đưa ra quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, Tổng thống nước này Nicolas Maduro đã thông báo cắt giảm ngân sách nhà nước và cắt giảm chi tiêu công cộng.
Bên cạnh đó, Caracas cũng không loại trừ khả năng giảm lương hưu và trợ cấp xã hội. Tình hình tài chính công của Venezuela đang thiếu ổn định và việc giá dầu liên tục ở mức thấp sẽ làm giảm khả năng của Caracas trong việc chi trả ngân sách công vốn đang ở mức rất cao.
Tình hình càng thêm căng thẳng, khi quốc gia Nam Mỹ này phải đối phó với các vấn đề kinh tế khác như tỷ lệ lạm phát cao, tình trạng thiếu lương thực và hàng hóa ngày càng nghiêm trọng, trong khi dự trữ ngân sách ngày một suy giảm. Xuất khẩu dầu hỏa đem về đến 96% ngoại tệ cho Venezuela và quốc gia Trung Mỹ này đang bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá dầu trên thế giới giảm mất 1/3 giá trị trong quý II vừa qua.
Thêm vào đó, quyết định này khiến viễn cảnh kinh tế của nước Nga thêm “u ám”. Tuy không phải là một trong số 12 thành viên của OPEC nhưng Nga cũng là một nguồn cung cấp dầu hỏa quan trọng của thế giới.
Bất kỳ sự biến động nào của giá dầu thế giới đều có tác động mạnh tới nước Nga, bởi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đóng góp tới một nửa ngân sách của Chính phủ và 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Sau khi quyết định từ cuộc họp OPEC ở Vienna chính thức được đưa ra, đồng rúp của Nga lại mất giá mạnh.
Đóng cửa phiên ngày 28/11, trên thị trường Moskva 1 euro đổi được 62,2 rúp, và 50 rúp mới mua được một đồng USD. Hiện Nga đang đối mặt thời kỳ suy giảm kinh tế, khi GDP tăng trưởng chậm và những căng thẳng với phương Tây đã khiến đầu tư nước ngoài giảm một nửa và vốn đầu tư rút khỏi Nga lên tới 76 tỷ USD.
Giới chuyên gia cho rằng giá dầu thấp có thể là nguyên nhân gây ra các chấn động xã hội ở Nga. Khi lĩnh vực dầu khí suy yếu, những người trong diện bị cắt giảm an sinh xã hội có thể kéo nhau xuống đường. Tính từ cuối tháng 10/2014 đồng tiền của Nga mất giá 19% so với USD và 17% so với đồng euro.
Chưa dừng lại ở đó, giá dầu giảm còn tác động tiêu cực đến các công ty dầu khí lớn. C ổ phiếu của Tập đoàn dầu khí Anh BP giảm 17% kể từ giữa tháng Sáu và cổ phiếu của hãng Chevron giảm 11%. Cổ phiếu của SeaDrill, một trong những chủ sở hữu giàn khoan lớn nhất thế giới , giảm tới 18% trong ngày 26/11 và hãng này đã ngừng thanh toán cổ tức.
SeaDrill đang chịu tổn thất từ dư thừa nguồn cung giàn khoan do một số công ty lớn đối phó với giá dầu giảm bằng cách hủy các dự án. Và như một lẽ tất nhiên, khi các công ty bị “ốm” thì hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng.
Mới đây, tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) đưa tin các ngân hàng trong đó có Barclays và Wells Fargo đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng vì khoản cho vay 850 triệu USD đối với hai công ty dầu khí lớn có trụ sở ở Mỹ là Sabine Oil & Gas và Forest Oil.
Mặc dù vậy, ở một khía cạnh khác thì việc giá dầu lao dốc không phanh lại là tin vui đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - những nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn của thế giới.
Giá xăng bán lẻ tại thị trường Mỹ trong ngày 27/11 đã giảm xuống mức dưới 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), so với mức trung bình 3,39 USD/gallon của năm nay khiến dịp nghỉ lễ Tạ ơn và “Ngày vàng mua sắm” (Black Friday) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên nhộn nhịp hơn, thêm vào đó chi phí đi lại của người dân và chi phí vận hành của doanh nghiệp cũng được giảm đi đáng kể.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc giá dầu đi xuống sẽ làm giảm áp lực về tài chính đối với các nhà sản xuất gia công cùng những doanh nghiệp nhỏ tại đây.
Trong số các nhà nhập khẩu dầu đứng đầu thế giới, Nhật Bản có lẽ là quốc gia ít cảm nhận được lợi ích của việc giá dầu giảm nhất do nước này đang phải “vật lộn” trong “cơn bão” suy thoái kinh tế và sự sụt giá của đồng yen cũng khiến giá dầu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn./.