Mark Keenan, chiến lược gia phân tích hàng hóa tại Societe Generale cho CNBC biết rằng giống như nhiều nhà phân tích khác, ông dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn do hàng loạt tin tức giảm giá từ các nguồn cung, chẳng hạn như việc Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều dầu hơn, cũng như sản lượng sản xuất ở mức kỷ lục từ Iraq và Nga.
Ngay tuần này, giá dầu thế giới đã giảm 10% trong bối cảnh lo lắng về nguồn cung ngày càng tăng. Giá dầu thô của Mỹ giảm còn 47,93 USD mỗi thùng hôm 6/1, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, giảm 2,11 USD so với ngày trước đó. Giá dầu thô Benchmark Brent chuẩn giảm xuống mức 50,55 USD so với phiên giao dịch trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009 vào cuối phiên giao dịch cùng ngày tại Mỹ, giảm 55% so với mức trung tuần tháng 6.
“Trong làn sóng giảm giá gần đây, việc cho phép bên bán có quyền lựa chọn dể bán ở một mức giá cụ thể theo ngày là chỉ dẫn khá chính xác để xác định mức giá”, ông cho biết và nói thêm rằng nhiều hợp đồng theo phương thức này đang được mua với giá dầu Brent là 40 USD.
Ngoài ra, ông cũng xem xét những chỉ số ít rõ ràng hơn chẳng hạn như số liệu việc làm ở Mỹ từ các lĩnh vực như sản xuất đường ống, khai thác dầu và dịch vụ dầu khí.
“Nếu chúng ta bắt đầu xem xét những thay đổi này thì có thể thấy rằng chắc chắn các công ty đang kiềm chế sản xuất và tăng trưởng sản xuất là rất chậm”.
Mặc dù người ta vẫn kỳ vọng các công ty khai thác và sản xuất dầu Bắc Mỹ có thể cắt giảm chi phí vốn khoảng 40%, nếu giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng, nhưng thông cáo của Moody hôm 6/1 cho thấy hầu hết các công ty này có mức tăng trưởng cao và có thể cắt giảm vốn đáng kể mà không cần giảm sản lượng hiện tại.
Moody dẫn số liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ ước tính sản lượng dầu tại nước này sẽ tăng 700.000 thùng mỗi ngày trong năm nay so với năm 2014. Moody chỉ dự báo sẽ có một tác động rõ rệt từ chi phí vốn thấp vào năm 2016./.