Trước đó vài ngày, một công ty khác của vị tỷ phú này là Cheung Kong Holdings cũng ra thông báo đang tiến hành mua công ty đường sắt Eversholt Rail Group của Anh với giá 2,5 tỷ Bảng (3,8 tỷ USD).
Các động thái này diễn ra ngay sau khi tỷ phú Li Ka-shing thực hiện tái cơ cấu “đế chế” Hutchison thành hai công ty, một chuyên về bất động sản và một chuyên về các mảng khác như viễn thông, cảng biển và cơ sở hạ tầng.
"Những thỏa thuận tại Anh quốc cho thấy nhà tài phiệt HongKong đang không ngừng để mắt đến thị trường châu Âu nhằm tìm kiếm tiềm năng tăng trưởng tương lai", Alex Wong, Giám đốc Tập đoàn Tài chính Ample Finance nhận xét.
Vài năm gần đây, các công ty của Li Ka-shing đã liên tục mở rộng biên giới cho "đế chế" của ông sang châu Âu, đặc biệt tập trung vào thị trường Anh. Năm 2010, Công ty Cheung Kong có vụ thôn tính lớn nhất tại thời điểm đó khi mua lại UK Power Networks – nhà cung cấp điện cho 30% dân số Anh - với giá 9,1 tỷ USD. Hơn một năm sau đó, Cheung Kong tung tiếp 3,9 tỷ USD để mua Northumbrian Water - Công ty cung cấp nước sạch cho 4,5 triệu người ở Anh và dịch vụ xử lý nước thải cho 2,7 triệu người.
Trên lĩnh vực viễn thông, năm 2012, Hutchison Whampoa chi 1,7 tỷ USD thâu tóm nhà mạng lớn thứ ba ở Áo là Orange Austria và bỏ 1,1 tỷ USD để mua chi nhánh tập đoàn O2 tại Ailen. Tại Anh, Hutchison đang vận hành mạng Three Mobile có 10 triệu người dùng. Với việc mua lại O2, nhà mạng lớn thứ hai tại Anh hiện sở hữu 23 triệu thuê bao, Hutchison sẽ trở thành công ty nắm trong tay nhiều thuê bao nhất xứ sương mù, soán ngôi vương từ nhà mạng EE của liên doanh Deutsche Telekom và Orange.
Rõ ràng, sự bành trướng tại phương Tây cho thấy nhà tài phiệt HongKong đã nhìn thấy trước tương lai tươi sáng ở lục địa “già nhưng chưa nua” này./.