Vào thời điểm cách đây 5 năm, nền kinh tế Brazil tăng trưởng nhanh hơn gấp 3 lần so với Mỹ, đặc biệt là đã vượt qua quy mô kinh tế của Anh vào năm 2011. Hàng triệu người dân Brazil đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, bước vào tầng lớp trung lưu và Tổng thống vào thời điểm đó là Luiz Inácio Lula da Silva, giành được tỷ lệ ủng hộ 83%.
Eike Batista, người đã từng là tỷ phú giàu nhất Brazil, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” vào năm 2010 đã nói rằng: “Brazil đang phát huy được tiềm năng. Dường như không còn thất nghiệp… và điều này thật kỳ diệu”.
Nền kinh tế Brazil bắt đầu lao dốc khi mà mọi kỳ vọng tăng trưởng đang ở mức cao nhất. Quốc gia này bị lôi kéo vào một vụ bê bối chính trị, chứng kiến một vụ phá sản lịch sử và hiện đang dưới sự lãnh đạo của một vị tổng thống không được lòng dân, Dilma Rousseff, người đang cố gắng để bảo vệ nền kinh tế Brazil.
Vụ bê bối tham nhũng tại tập đoàn dầu mỏ Petrobras liên quan đếu nhiều chính trị gia đã nhấn chìm nền kinh tế trong sự bi quan, các chuyên gia cho biết. Các điều tra viên đã phát hiện ra những vi phạm rửa tiền và hối lộ liên quan đến Petrobras. Nhiều chính trị gia, có một số người trong Đảng của bà Rousseff bị cáo buôc đã nhận hối lộ những khoản tiền khổng lồ.
Chỉ trong tháng 9, giá trị thị trường của Petrobras đã bốc hơi 60%. Cùng vào thời điểm đó, chỉ số chứng khoán của Brazil, Bovespa cũng lao dốc không phanh.
Vụ bê bối chính trị này mới chỉ là “khởi đầu” đối với Brazil.
Batista, trước đây là người giàu nhất Brazil hiện đã trắng tay sau khi công ty dầu mỏ OGX của ông tuyên bố phá sản vào tháng 10/2013, trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Châu Mỹ Latin. Hiện nay, Batista nợ hơn 1 tỷ USD và phải ra tòa vì cáo buộc giao dịch nội gián. Batista đã từng có mối liên quan đến Tổng thống Rousseff.
Bà Rousseff tái đắc cử với số phiếu sít sao cùng với cam kết sẽ tiến hành cải cách kinh tế. Tuy nhiên, cải cách không phải là một việc dễ dàng.
Trong khi các rắc rối về chính trị và kinh tế đã làm dao động niềm tin vào chính phủ và nền kinh tế, sự bùng nổ của thị trường hàng hóa làm cho giá cả của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Brazil giảm giá như dầu và đậu nành cũng gây khó khăn đối với kinh tế của quốc gia này.
Đồng Real của Brazil cũng mất giá so với đồng USD. Một đồng USD đổi được 1,55 đồng real vào thời điểm bà Rousseff nhậm chức năm 2011. Hiện nay 1 đồng USD đổi được 2,80 đồng real.
Nhiều chuyên gia cho rằng Brazil đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, con đường trong một vài năm tới sẽ còn nhiều chông gai đối với bà Rousseff và Brazil./.