Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,8% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm 2014. Theo Goldman Sachs, nếu không tính thời kỳ khủng hoảng tài chính, tốc độ tăng trưởng này là thấp nhất kể từ năm 1995.
Các số liệu công bố vào ngày 11/3 cũng cho thấy, đầu tư vào tài sản cố định và doanh thu bán lẻ cũng giảm tốc đáng kể.
Wang Tao, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của UBS cho rằng, các số liệu này cho thấy cầu trong nước sụt giảm mạnh, cùng với sự sụt giảm của đầu tư tài sản sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá nhiều hàng hóa lao dốc, đã trở thành vấn đề đau đầu ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Nền kinh tế sụt giảm kéo dài sẽ đẩy nhanh sự phân hóa giữa Mỹ - quốc gia đang có triển vọng kinh tế lạc quan – và các nền kinh tế có tầm ảnh hưởng khác.
Kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất đang đẩy đồng USD tăng cao, trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi đang thực hiện chính sách nới lỏng để đối phó với lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990, sụt giảm từ những thập kỷ tăng trưởng 2 con số kể từ cuối những năm 1970. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 6,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn Ấn Độ.
Đáng lo ngại là sự suy thoái của thị trường bất động sản sau một thời kỳ tăng trưởng quá nóng. Hiện giá nhà và doanh thu bán hàng đều sụt giảm kể từ đầu năm ngoái. Trong 2 tháng đầu năm, doanh thu thị trường bất động sản Trung Quốc giảm 16,3% so với cùng kỳ, sau khi sụt giảm 7,6% trong tháng 12.
Thị trường bất động sản Trung Quốc chỉ bắt đầu tồn tại kể từ cuối những năm 1990 khi Chính phủ tư nhân hóa và thương mại hóa nhà đất thay vì chế độ phân bổ trước đây.
Thị trường bất động sản Trung Quốc đang chịu hậu quả từ việc đầu tư điên cuồng trong suốt hơn 1 thập kỷ đã gây ra tình trạng cung vượt cầu với vô số các chung cư dở dang và để trống trên toàn quốc.
Tăng trưởng xuất khẩu và chỉ số quản trị mua hàng cũng cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Capital Economics, Julian Evans-Pritchard.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này cũng đang gặp rắc với với những khoản nợ khổng lồ cùng với nguy cơ giảm phát.
Theo ước tính của McKinsey, tỷ lệ nợ của Trung Quốc ở mức 282% GDP vào giữa năm ngoái, cao hơn của Đức và Mỹ.
Trong năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 7,4%, tốc độ chậm nhất trong vòng gần ¼ thế kỷ và Chính phủ cũng đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuống 7%.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái, Trung Quốc sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng./.