Quy định Bộ Y tế là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc như hiện hành tại Điều 5, Luật Dược là phù hợp với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.
Phân định rõ trách nhiệm quản lý giá
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, từ năm 2005 đến nay, Ban Vật giá Chính phủ đã được chuyển vào Bộ Tài chính thành Cục Quản lý giá, với tổ chức bộ máy rút gọn và chức năng nhiệm vụ chủ yếu tham mưu để Bộ Tài chính ban hành cơ chế quản lý giá chung.
Thực tế từ năm 2006 đến nay, Quốc hội thông qua các Luật chuyên ngành trong đó nội dung quản lý nhà nước về giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành được chuyển giao cho Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì. Chủ trương giao cho các bộ quản lý ngành quản lý nhà nước về giá tiếp tục được khẳng định tại Luật Giá (2012).
Theo đó, tại Khoản 3 Điều 8 Luật Giá quy định: “bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định”.
Tại Điểm e Khoản 9 Điều 2 Nghị định 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế cũng quy định: Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc và sử dụng các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường theo quy định của pháp luật.
Giá thuốc đã được quản lý hiệu quả
Qua 7 năm thực hiện Luật Dược đã chứng minh Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác trong việc quản lý giá thuốc ở nước ta là có hiệu quả. Theo đó, thị trường thuốc cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào, không phát sinh các cơn “sốt” giá thuốc. Chỉ số giá (CPI) nhóm dược phẩm y tế luôn ở nhóm thấp hơn CPI chung. Cụ thể, trước năm 2005 (chưa có Luật Dược), CPI nhóm hàng dược phẩm y tế cao hơn nhiều lần so với CPI chung.
Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, chỉ số giá nhóm này luôn nằm trong nhóm có chỉ số thấp nhất và thấp hơn chỉ số giá chung.
Hơn nữa, thuốc cũng đã được cung ứng đầy đủ với giá cả hợp lý. Các số liệu khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức phù hợp so với thế giới và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, mức chênh lệch giữa giá thuốc tên gốc tại các cơ sở y tế công lập của Việt Nam, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, thấp hơn mặt bằng chung quốc tế và ở trong giới hạn được cho là mức giá phù hợp (MPR từ 1-1,5 lần).
Chỉ số so sánh MPR của thuốc tên gốc của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (Thượng Hải), Thái Lan, Phillippin, Inđônesia. Mức chênh lệch của giá thuốc biệt dược so với giá tham khảo quốc tế tại khu vực công lập của Việt Nam nằm trong khoảng trung bình so với số liệu quốc tế.
Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cũng cho thấy, giá thuốc trúng thầu của 25/36 mặt hàng khảo sát tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần; giá thuốc trúng thầu của 23/36 mặt hàng khảo sát tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương có đội ngũ cán bộ chuyên ngành dược là bộ máy quản lý thực hiện quản lý giá thuốc thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đó là những cơ sở rất quan trọng để tiếp tục quản lý giá thuốc có hiệu quả trong thời gian tới.
Để đảm bảo phù hợp với định hướng điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, trên cơ sở kết quả đã đạt được và kinh nghiệm về quản lý giá thuốc thời gian qua, cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc cần giữ quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 5 Luật Dược.
Cụ thể, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc theo sự phân công của Chính phủ.
Tham khảo kinh nghiệm quản lý giá thuốc của các nước trong khu vực cho thấy, không có nước nào giao cho Bộ Tài chính quản lý giá thuốc. Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý giá thuốc là Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia. Tại Thái Lan, Bộ Y tế quy định giá cụ thể một số loại thuốc vắc xin, chống dịch, Bộ Thương mại tiếp nhận báo cáo giá kê khai của các doanh nghiệp. Còn tại Ấn Độ, chức năng này được giao cho Cơ quan định giá dược phẩm quốc gia –NPPA,... |