Bên cạnh những ưu điểm, có nhiều ý kiến cho rằng, tính khả thi của Luật sẽ cao hơn, nếu hạn chế được những quy định chung chung, chưa bám sát thực tế.
Tạo sự thuận lợi cho DN hơn nữa
Theo kế hoạch, Luật Hải quan sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2014).
Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Luật Hải quan sửa đổi được xây dựng công phu, bổ sung nhiều điểm mới (gồm 112 điều, 9 chương; trong đó, giữ nguyên 33 điều, sửa đổi 44 điều, bổ sung 35 điều mới), có nhiều điểm mới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tuy luật có nhiều điều, khoản chi tiết về hành vi nhưng nhiều quy định chung chung, khó cho cả cơ quan thực thi và DN áp dụng.
Luật gia Vũ Xuân Tiền góp ý, trong Khoản 3 Điều 26 dự thảo luật quy định: “Trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan tiến hành điều tra, xác minh xuất xứ hàng hóa…”. Ở đây, trường hợp cần thiết là những trường hợp nào. Điều này cần được làm rõ trong luật để không làm khó DN.
Ông Tiền dẫn chứng thêm, dự thảo luật có đến 37 điểm cần có quy định cụ thể (26 điểm chờ nghị định, 6 điểm chờ thông tư hướng dẫn và 5 điểm chờ quyết định). Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 19 về nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan quy định: Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, khái niệm quy định của pháp luật đang được hiểu khá rộng, không chỉ trong văn bản quy phạm pháp luật mà cả văn bản khác như công văn hướng dẫn.
Trong Điều 18 dự thảo luật quy định lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày đăng ký là quá dài, có thể gây khó khăn cho DN. Về vấn đề này, ông Vũ Chu Hiền - thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, với một số hàng hóa đặc thù, việc yêu cầu phải giữ được chứng từ 10 năm, DN “khó đáp ứng nổi”.
Chẳng hạn, với những lô hàng tạm nhập tái xuất khi đã giải quyết thủ tục thực xuất và được hải quan kiểm tra, DN không còn giữ chứng từ, giải quyết thế nào? Ngoài ra, công trình đầu tư vốn nghìn tỷ, chỉ cần mất 3 đến 4 năm có thể vận hành, nếu yêu cầu lưu hồ sơ tới 10 năm sẽ rất khó.
Ông Vũ Chu Hiền bàn thêm, dự thảo luật vẫn còn nhiều điểm phải chờ Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể. Như vậy, nếu không triển khai đồng bộ thì rất dễ dẫn đến tình trạng luật đã được thông qua nhưng vẫn phải chờ thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành.
Hạn chế tối đa quy định chung chung
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có những trao đổi thẳng thắn với từng ý kiến và cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội nghị lấy ý kiến cộng đồng DN tại các thành phố lớn. Trên cơ sở đó Ban Soạn thảo luật sẽ có những điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện luật trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi ngay quy định thời gian lưu hồ sơ hải quan theo hướng chia ra từng bậc tương ứng với ngành nghề cụ thể. Những dự án nhập khẩu thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ quy định thời gian lưu hồ sơ là 10 năm, còn với những dự án sản xuất là 5 năm và dự án thương mại chỉ 3 năm.
Luật Hải quan sửa đổi phải đạt được yêu cầu quan trọng là tạo thuận lợi cho DN bên cạnh công tác quản lý. Luật sẽ hạn chế tối đa những quy định chung chung, chờ thông tư, nghị định hướng dẫn./.