Thực trạng này, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp nâng cao khả năng ngăn chặn, phòng ngừa gian lận, nhất là bằng phương thức cảnh báo sớm.
Gian lận nhiều hình thức
Biện pháp ngăn chặn gian lận C/O:
- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận C/O. Thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ... áp thuế chống bán phá giá, để có những cảnh báo.
- Xây dựng danh mục các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận C/O để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Tổng cục Hải quan và các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ như VCCI, Bộ Công thương.
- Tăng cường phối hợp với các tổ chức cấp C/O trong và ngoài nước để thực hiện công tác kiểm tra xác minh xuất xứ kịp thời và hiệu quả.
Lợi ích từ chứng thư, C/O, sẽ giúp cho các nước, các khối nước thực hiện các hiệp định thương mại tự do khu vực, hay ưu đãi đa phương, song phương, được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan... (mức ưu đãi thuế có khi lên đến 100% - 200%). Vì vậy, nhiều đối tượng tìm mọi thủ đoạn để gian lận C/O theo nhiều cấp độ, ngày càng tinh vi.
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O cảnh báo một số sơ hở mà doanh nghiệp (DN) thường lợi dụng gian lận C/O.
Thông thường mặt hàng bị gian lận là những mặt hàng mà các nước xung quanh Việt Nam bị các nước hoặc thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu (NK). Các mặt hàng này được chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, sau đó làm giả chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa lô hàng này có xuất xứ tại Việt Nam. Đây là hình thức làm giả hoàn toàn giấy chứng nhận từ bên ngoài (giả mẫu con dấu và chữ ký của cán bộ cấp C/O).
Có nhiều trường hợp DN Việt Nam bị mạo danh trên C/O với đầy đủ địa chỉ, tên công ty... Hoặc có DN đầu tư vào Việt Nam sản xuất, tìm mọi cách gian lận C/O để xuất khẩu hàng hóa, hưởng ưu đãi thuế.
Theo cơ quan hải quan, một hình thức gian lận khác được các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu sử dụng, đó là ở công đoạn chưa đủ để đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ, nhưng vẫn khai báo là xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O).
Tăng cường khả năng cảnh báo sớm
Bà Trần Thị Thu Hương cho hay, Trung tâm Xác nhận chứng từ Thương mại đã tìm nhiều cách để đấu tranh, ngăn chặn các thủ đoạn gian lận thương mại, có sự hợp tác hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan... Thông qua hoạt động của Hội đồng Tư vấn, công tác ngăn chặn gian lận đã triển khai đến UBND các tỉnh, thành phố để rà soát các mặt hàng có nguy cơ cao.
Ngay từ ban đầu khi DN xin cấp chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hoặc sẽ tư vấn và hướng dẫn để các sản phẩm của DN đáp ứng tiêu chí xuất xứ. Công tác này nhằm tránh trường hợp DN đã xây dựng xong nhà máy nhưng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ của Việt Nam.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Hương, sau những giải pháp “mạnh tay”, đến nay hiện tượng làm C/O giả đã được hạn chế rất nhiều: “Chúng tôi thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào. Khi phát hiện ra những DN có các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang tiến hành điều tra... thì phải cảnh giác và có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với những DN này”.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có sự phối hợp liên thông giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng. Để giảm thiểu vấn đề DN đầu tư nước ngoài gian lận C/O, trước hết Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát ngay từ ban đầu các dự án đầu tư, xem các lĩnh vực đầu tư đó có nằm trong diện nhạy cảm mà các nước nhập khẩu đã cảnh báo hay không. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí cần từ chối cấp giấy phép.
Phía cơ quan hải quan cũng cần rà soát kỹ, kịp thời cảnh báo các đối tượng nghi vấn để đưa vào diện quản lý rủi ro, kiểm tra và ngăn chặn sớm. Nếu DN sản xuất để xuất khẩu, chúng tôi đề nghị trên tờ khai hải quan ghi rõ tờ khai số bao nhiêu để tránh trường hợp gian lận.