Tài sản được trang bị đúng tiêu chuẩn định mức, sử dụng đúng công năng, tiết kiệm và hiệu quả... Nhìn chung, tình trạng “biến hóa” của chung thành riêng đã được đẩy lùi.
Thực hiện hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng TSNN
Theo đánh giá, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSNN đã nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, đã có sự phân công, phân cấp rõ thẩm quyền cũng như trách nhiệm của từng cá nhân. TSNN tại các đơn vị được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo đúng quy định của pháp luật.
Việc cho thuê, cho mượn TSNN cũng đã chấm dứt. Điều này cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN đã đảm bảo sự đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý về tài sản, đưa việc quản lý, sử dụng TSNN đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và minh bạch.
Luật Quản lý, sử dụng TSNN cũng đã phát huy hiệu quả khi có sự đầu tư của nhà nước nhằm tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị. Việc đầu tư được thực hiện đối với tất cả các loại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức và đối với tất cả các loại tài sản từ nhà, đất, xe ô tô công, tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên.
Việc đầu tư, mua sắm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã giao. Cụ thể, với tài sản là đất, diện tích sử dụng cho các cơ quan, đơn vị trong năm vừa qua đã có sự tăng thêm, trong đó diện tích đất sử dụng cho các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng nhiều hơn so với các cơ quan, đơn vị của trung ương; trong đó, diện tích đất tăng nhiều nhất là đất phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo.
Đối với các tài sản là nhà, qua phản ánh từ số liệu, diện tích nhà tại các cơ quan, đơn vị gia tăng tập trung chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương. Tuy nhiên, phần lớn trong số diện tích nhà tăng thêm của các bộ, ngành trung ương là do thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc theo hướng tập trung trên cơ sở sử dụng nguồn tiền thu được từ bán, chuyển nhượng trụ sở làm việc cũ tại những vị trí có khả năng thương mại, khả năng chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích có hiệu quả cao hơn, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh...
Trong năm qua, số xe công tăng chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương, trong đó phần lớn là thay thế cho số xe đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (10 năm), đồng thời bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm nhưng chưa có xe ô tô phục vụ công tác (do phải tạm dừng mua sắm trong năm 2011 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP). Việc mua sắm xe công, qua báo cáo cho thấy, đã đảm bảo phù hợp với mức giá quy định của Chính phủ, đúng đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng.
Chấm dứt ”biến” của công thành của riêng
Theo lãnh đạo Cục Quản lý công sản, mặc dù việc “biến hóa” của chung thành của riêng đã được đẩy lùi nhưng để chấm dứt hẳn cần phải có nhiều biện pháp mạnh. Theo đó, một loạt giải pháp đã được đưa ra và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận như: Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho mục đích mua sắm xe ôtô và các nhiệm vụ không cần thiết, không cấp bách.
Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm.
Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách chủ yếu như tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện đi lại, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; chế độ quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước... Trong đó, cơ chế mua sắm TSNN theo phương thức tập trung được áp dụng thống nhất trên cả nước, đảm bảo hiệu quả trong mua sắm tài sản, tính minh bạch và sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị.
Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý TSNN từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Trước mắt tăng cường số lượng và chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý công sản tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ quản lý hiện đại./.