“Liều thuốc” sẽ càng mạnh hơn khi Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành trong thời gian tới.
Thống nhất với 4 lĩnh vực được lồng ghép
Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Tài sản xác lập sở hữu nhà nước, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trong những năm trước đây chưa có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN. Trừ các vi phạm bị xử lý hình sự, còn các hành vi vi phạm thường chỉ bị nhắc nhở, khiển trách theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”, vi phạm nào nặng lắm mới lập hội đồng để kiểm điểm.
Trong lĩnh vực tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSNN hàng quý, hàng năm có nhiều địa phương không thực hiện nghiêm túc chế độ tổng hợp, báo cáo, nhưng để xử phạt lại chưa có chế tài. Đây chính là điểm “nghẽn” khi thực hiện nhiệm vụ của các nhà quản lý và cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng lãng phí TSNN diễn ra trong nhiều năm.
Bà Hà cho biết, để Luật quản lý TSNN được thực thi tốt nhất đòi hỏi phải có chế tài xử phạt, có tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. NĐ66 đã đáp ứng đầy đủ và chi tiết cả về đối tượng và mức xử phạt cho từng hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tế xử phạt trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát các quy định hiện hành liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trong đó có 4 lĩnh vực gồm: Quản lý, sử dụng TSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia và kiểm soát chi qua kho bạc, xây dựng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Mặc dù NĐ66 mới được ban hành nhưng qua rà soát, đối chiếu cho thấy cơ bản những quy định về đối tượng xử phạt và mức xử phạt phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhưng để đảm bảo thống nhất hơn nữa với 4 lĩnh vực được lồng ghép trong nghị định và phù hợp với thực tiến, một số nội dung trong NĐ66 cũng cần được sửa đổi, bổ sung.
Tăng sức răn đe
Nội dung của phần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN trong dự thảo nghị định mới đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến cơ bản kế thừa các quy định tại NĐ66; đồng thời có bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, cấp bộ. Quy định thẩm quyền phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của từng chức danh tương ứng với từng đối tượng bị xử phạt. Bổ sung thẩm quyền; lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN.
Ngoài ra, nhiều quy định cũng sẽ được bỏ như biện pháp khắc phục hậu quả “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn” để tránh trùng lắp với quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (đối với thẻ thẩm định viên về giá) và lĩnh vực tư pháp (đối với thẻ đấu giá viên).
Bỏ một số nội dung quy định NĐ66 đã được quy định cụ thể trong Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định chung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật như: Tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính; các mẫu quyết định và biên bản xử phạt; thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Do các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này bao gồm cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước, để đảm bảo tính răn đe, dự thảo quy định không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Tuy nhiên, theo bà Hà, để Nghị định có sức sống lâu bền trong đời sống hàng ngày quan trọng nhất vẫn là người thực thi cuối cùng và sự tự giác của người sử dụng tài sản. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng “đóng cửa bảo nhau” mỗi khi có vi phạm xảy ra.