Dưới 200 nghìn đồng không bắt buộc phải lập hóa đơn
Thông tư mới quy định, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200 nghìn đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Tuy nhiên, người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập.
Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày.
Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.
Thế nào là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp?
Theo quy định mới, trường hợp sử dụng hóa đơ bất hợp pháp là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Ngoài ra, Bộ Tài chính quy định rõ một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn: Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ. Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ. Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn. Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Ngăn chặn các trường hợp vi phạm
Để ngăn chặn các trường hợp vi phạm trong việc phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn trên báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của các tổ chức, hộ, cá nhân, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và tại đơn tại trụ sở của tổ chức, hộ, cá nhân sử dụng hóa đơn.
Trong trường hợp cơ quan thuế qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện, cơ quan thuế có văn bản yêu cầu tổ chức, hộ, cá nhân báo cáo giải trình. Với trường hợp không giải trình hoặc giải trình không thoả đáng, cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra hóa đơn tại trụ sở của tổ chức, cá nhân. Nội dung kiểm tra hóa đơn được quy định cụ thể trong quyết định kiểm tra tại trụ sở hoặc điểm bán hàng của đơn vị.
Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các trường hợp vi phạm như: sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn hết giá trị sử dụng, hóa đơn khống… để xử phạt đúng theo luật định (Mức xử phạt vi phạm về hóa đơn có thể lên đến 100 triệu đồng).
Đối với một số hành vi như: Không ghi đủ các nội dung in sẵn khi lập hóa đơn, hoặc ghi không đúng theo quy định; lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua; không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định; không nộp báo cáo hóa đơn đã sử dụng theo quy định,... tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 10 triệu đồng theo quy định.