Phóng viên thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Cường - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) nhằm tìm hiểu về tiến trình soạn thảo các văn bản dưới luật này.
PV: Ông có thể cho biết, để hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý thuế sửa đổi, cơ quan soạn thảo phải xây dựng những văn bản pháp luật điều chỉnh nào?
- Ông Vũ Văn Cường: Hiện Tổng cục Thuế - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo xây dựng 1 Nghị định chung quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (thay thế Nghị định 85/2007/NĐ-CP và Nghị định 106/2010/NĐ-CP); 1 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Đồng thời với các văn bản quan trọng nêu trên, ngành Thuế hoàn thiện 4 thông tư hướng dẫn bao gồm: 1 thông tư chung hướng dẫn thi hành Nghị định mới của Chính phủ; 1 thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; 1 thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về thuế; 1 thông tư hướng dẫn về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA).
Đến nay, cơ quan thuế đã hoàn thành dự thảo 2 nghị định, đồng thời đã trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ xem xét và đưa ra quyết định chính thức. Cơ quan thuế cũng đã hoàn thành 3 dự thảo thông tư hướng dẫn, trình Bộ Tài chính xem xét và lấy ý kiến của các bên liên quan để thuận lợi khi triển khai thực hiện. Riêng thông tư hướng dẫn về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) đang được chúng tôi gấp rút hoàn thiện. Còn về quy trình thực hiện đang được các vụ, phòng, ban của Tổng cục Thuế đang thực hiện theo đúng chức năng, quy trình đề ra.
PV: Các văn bản dưới luật tập trung vào những nhóm vấn đề nào, thưa ông?
- Ông Vũ Văn Cường: Theo tổng hợp và đánh giá của chúng tôi, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính như giảm tần suất khai thuế từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ và vừa; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn thuế, hoàn thuế; đơn giản hồ sơ, thủ tục trong hoàn thuế, xóa nợ thuế…
Thứ hai là, đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế, làm cơ sở áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến (nguyên tắc quản lý rủi ro; khai thác, sử dụng thông tin từ nguồn nước ngoài theo các Hiệp định thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thuế điện tử).
Thứ ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế, gồm 10 nội dung như: Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt; gia hạn thời gian nộp thuế với trường hợp cơ sở phải di dời và nợ thuế do ngân sách nhà nước chậm thanh toán; quy định việc nộp dần tiền thuế (phân kỳ hạn nộp) đối với người nộp thuế do khó khăn; quy định về xóa nợ thuế với một số khoản khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thuế…
PV: Hiện cơ quan soạn thảo đã hoàn thành việc xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn chung, vậy ông có thể cho biết điểm nổi bật nhất trong quản lý thuế là gì?
- Ông Vũ Văn Cường: Theo tôi, cơ chế quản lý rủi ro là điểm nổi bật nhất trong quản lý thuế. Để thực hiện được điều này thì phải xây dựng cơ chế quản lý rủi ro trong từng khâu, nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao và có biện pháp ưu tiên đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế.
Đối với người nộp thuế ở những lĩnh vực, địa bàn có độ rủi ro thấp, có lịch sử tuân thủ pháp luật tốt được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.
PV: Ông nhận định như thế nào về Luật Quản lý thuế sửa đổi khi áp dụng vào cuộc sống?
- Ông Vũ Văn Cường: Quan điểm của tôi, khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chính thức được áp dụng và các văn bản dưới luật được ban hành thì chính sách quản lý thuế sẽ rõ ràng, minh bạch và thống nhất hơn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; công tác hiện đại hóa hệ thống thuế ngày càng hoàn thiện, giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đơn giản hơn, đặc biệt là người nộp thuế nước ngoài dễ dàng hơn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!