Nhiều hạn chế
Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ chế quản lý và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) hiện nay còn nhiều hạn chế như: Chưa phân biệt rõ cơ chế quản lý, sử dụng TSNN giữa cơ quan nhà nước với
ĐVSNCL; cơ chế tài chính đối với đất đai tại ĐVSNCL còn bất cập, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính từ đất đai; cơ chế đổi mới quản lý TSNN chưa đồng bộ; còn tình trạng các ĐVSNCL sử dụng TSNN chưa đúng quy định.
Nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn từ việc TSNN nói chung và TSNN tại các ĐVSNCL nói riêng trong thời gian dài được quản lý và sử dụng theo cơ chế bao cấp. Đó là Nhà nước cấp theo yêu cầu và khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho đầu tư mua sắm, chưa theo tiêu chuẩn, định mức. Các đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng chỉ chú ý khai thác sử dụng tài sản tới mức tối đa và coi đây là chi phí tiêu dùng công cộng.
Bên cạnh đó, Nhà nước - người chủ sở hữu TSNN tại các ĐVSNCL chưa thực hiện đầy đủ vai trò kiểm tra, giám sát tình hình quản lý TSNN tại các ĐVSNCL. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của các ngành các cấp, các địa phương và các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN với nhiệm vụ quản lý tài sản chưa cao cùng với sự hạn chế của các cơ quan tổ chức có liên quan trong quá trình phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Đề xuất cơ chế cởi mở hơn
Ngày 16/4/2013, Cục Quản lý công sản đã bảo vệ thành công đề tài: “Đổi mới cơ chế quản lý TSNN tại ĐVSNCL”. Đây được coi là bước chuyển lớn cho việc quản lý TSNN tại các ĐVSNCL khi trao quyền tự chủ cho các đơn vị để phát triển các hoạt động sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa, giảm sức ép chi từ ngân sách nhà nước.
Với hệ thống pháp luật hiện hành, mặc dù đã quy định về quyền và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng TSNN có sự khác nhau giữa cơ quan nhà nước với ĐVSNCL, nhất là giữa ĐVSNCL tự chủ về tài chính và chưa tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, thực tế triển khai cơ chế này hiện chưa tích cực, vẫn còn có sự níu kéo và bao cấp của Nhà nước nên chưa mang lại kết quả như mong đợi. Vì vậy, Cục Quản lý công sản đã đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý TSNN tại ĐVSNCL trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng TSNN giữa cơ quan nhà nước và ĐVSNCL, phân cấp cho các ĐVSNCL trong việc quyết định đầu tư, mua sắm, xử lý TSNN.
Về lâu dài, đối với ĐVSNCL cần thống nhất một cơ chế khấu hao tài sản cố định. Việc này sẽ được xác định đầy đủ như đối với doanh nghiệp vào giá thành các sản phẩm, trong đó có cả dịch vụ công. Trước mắt, cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của ĐVSNCL chưa được đồng bộ với cơ chế quản lý TSNN, chưa thể tính khấu hao tài sản vào giá thành dịch vụ công. Vì vậy, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn việc hạch toán khấu hao và hao mòn áp dụng chung tại một ĐVSNCL.
Hiện nay, hầu hết các ĐVSNCL đang được Nhà nước “bao cấp” về đất đai, dẫn đến sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả, còn lãng phí. Nhà nước cũng đã quy định, khi các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản trên đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết phải nộp tiền thuê đất.
Tuy nhiên, quy định này vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung theo hướng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý đất đai đối với ĐVSNCL từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Các ĐVSNCL phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất đai và các chi phí sử dụng đất (tiền thuê đất).