Doanh Nghiệp vừa và nhỏ thiếu “lực” tiếp cận
Tại hội thảo công bố hai nghiên cứu chuyên sâu: “Hiệu ứng lan tỏa công nghệ theo chiều dọc; công nghệ và cạnh tranh của DN”, báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2011”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức đã cho biết, môi trường cạnh tranh khá lành mạnh ở Việt Nam là điều kiện tốt thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong nước.
DN trong nước đang dần học hỏi được công nghệ từ những đối tác nước ngoài trong một số ngành sản xuất hiện đại (điện tử, ô tô..); 18% DN cho biết có thực hiện chuyển giao công nghệ và 75% sự chuyển giao đó có các thỏa thuận hợp đồng chính thức. Về cạnh tranh, 78% DN cho biết họ có một số đối thủ nội địa và 36% DN phải đối mặt với hơn 10 đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh những lợi thế, kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn bởi việc chuyển giao công nghệ phần lớn được thực hiện gia công, lắp ráp; không có công nghệ nguồn nên năng lực đổi mới thấp. Mặt khác các DN quá khó khăn để tiến hành nghiên cứu và phát triển (R&D). Chỉ có 11% DN cho biết là đã phát triển những loại hình công nghệ mới nhất định.
Trong quá trình thực hiện do thiếu thông tin nên cũng ít có sự liên kết với các tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài dẫn tới rủi ro, thất bại trong cải tiến công nghệ cao. Do đó chưa khai thác được lợi thế chuyển giao công nghệ từ hội nhập quốc tế mang lại. Hạn chế về công nghệ làm chậm giải quyết hàng tồn kho, cũng như giảm nợ xấu, hai khó khăn lớn nhất với DN trong nước hiện nay.
Doanh Nghiệp FDI đã tích cực chuyển giao công nghệ?
Với tư cách là người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu, TS. Theodore Talbot, Trường đại học Copenhagen nhận định: Có thể thấy rằng, tăng trưởng kinh tế cho đến nay chủ yếu có được nhờ di chuyển lao động từ khu vực có năng suất thấp (nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao (chế tạo). Các quốc gia ở khu vực châu Á đang tận dụng lợi thế này. Nhưng trong tương lai chiến lược này sẽ không còn tác dụng.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong nỗ lực thu hút FDI là tạo ra quá trình chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài cho các DN Việt Nam. Thu hút FDI là mục tiêu chính sách chính đối với nhiều thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam nhằm đem lại vốn và sáng tạo công nghệ.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ nhận định: Các doanh nghiệp FDI có ưu thế lớn trong sử dụng và chuyển giao công nghệ cao cho các DN Việt Nam, song thực tế, hoạt động này diễn ra còn chậm, khi nhiều DN FDI không đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong triển khai công nghệ.
Hiện tại chỉ có 5 - 6% các DN FDI sử dụng các công nghệ tiên tiến, 80% sử dụng công nghệ trung bình, còn lại là lạc hậu. Do đó, mặc dù các DN FDI có vai trò dẫn đầu về giá trị xuất khẩu nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM cho rằng: “Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nếu muốn quá trình đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN Việt Nam diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần sớm hình thành cơ chế đồng bộ để khuyến khích quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra thực chất hơn vì chính lợi ích của DN.”. q
Nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong DN vừa và nhỏ còn thấp. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DN chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực DN. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao./.